“Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc , trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học. Đồng thời cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.”
- Trường Đại học Giao thông vận tải quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt
- Trường THCS Trưng Vương (huyện Mê Linh) đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
- Cân nhắc những nội dung có tính “ưu đãi” trong dự thảo Luật Nhà giáo
- Nhiều bài báo quốc tế của tác giả Phan Thị Thu Hiền bị gỡ, lãnh đạo FTU nói gì?
- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Nước rút đến đâu, vệ sinh kịp thời, đưa HS trở lại trường
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại Hội nghị Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới diễn ra sáng ngày 25/10.
Bạn đang xem: Kiên cố hóa trường lớp cũng là kiên cố hóa “cái đẹp trong tinh thần con người”
Huy động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, đây là hội nghị rất có ý nghĩa để ghi nhận, đánh dấu chặng đường 10 năm của sự nỗ lực, đồng lòng từ các cấp chính quyền, ngành giáo dục và toàn xã hội trong việc tiếp tục cải thiện và nâng cao điều kiện cơ sở hạ tầng giáo dục trên cả nước.
Trong 10 năm qua, công tác xã hội hóa có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
“Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo của nhiều ngôi trường, từ những lớp học tạm bợ nay đã được thay thế bằng những phòng học kiên cố, an toàn và tiện nghi hơn. Các nhà công vụ dành cho giáo viên cũng được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thầy, cô yên tâm công tác và cống hiến.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi biểu dương và đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì triển khai, có trách nhiệm và hiệu quả chương trình này trong suốt 10 năm qua. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân đã tích cực tham gia đóng góp cho công cuộc này. Sự đồng hành của quý vị là minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm xã hội vì tương lai của nền giáo dục nước nhà”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Công tác xã hội hóa và kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong 10 năm qua không chỉ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, tạo tiền đề vững chắc cho tương lai của các thế hệ học sinh, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với đội ngũ giáo viên, những người đang trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp trồng người của đất nước.
Chủ trì hội nghị (từ trái sang phải ảnh): Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: Trần Hiệp
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước.
Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn còn thiếu hụt cơ sở vật chất, điều kiện học tập và làm việc của học sinh và giáo viên chưa bảo đảm đầy đủ. Một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ phòng học mới. Nhiều cơ sở giáo dục thiếu, các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục chung tay huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa toàn bộ hệ thống trường, lớp, nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục, trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên.
Đồng thời cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Chỉ đạo việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp để đầu tư và huy động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực.
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn, trong đó lưu ý về quy hoạch xây dựng bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số.
Bảo đảm ngân sách cho giáo dục và đào tạo, phân bổ nguồn lực thực hiện hiệu quả các tiểu dự án liên quan đến giáo dục là vào trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở các khu vực khó khăn. Giám sát và quản lý chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị toàn thể các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cùng chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em của chúng ta, những chủ nhân tương lai của đất nước. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng rằng, với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đất nước sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.
Xem thêm : Trao tặng danh hiệu NGND, NGƯT, nhà giáo tiêu biểu để tôn vinh nghề dạy học
Cần giải pháp tổng thể để thực hiện kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn
Tiếp nhận những chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ sẽ tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai có hiệu quả các chỉ đạo này trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Đảng và Nhà nước ta coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, và luôn thể hiện sự quan tâm, quyết tâm phát triển giáo dục và đào tạo bằng nhiều chủ trương và chính sách lớn.
Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó xác định rõ “phấn đấu đến năm 2030 tỉ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%”, tức là đến năm 2030, cả nước sẽ không còn phòng học tạm, phòng học chưa kiên cố.
Để thực hiện được mục tiêu lớn này, người đứng đầu ngành giáo dục nhận định cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, vấn đề xóa trường tạm, nhà công vụ tạm cho thầy cô và học sinh là việc mà “cả ngành giáo dục luôn đau đáu”. Đây vừa là việc thể hiện trách nhiệm xã hội chung, hướng tới bình đẳng xã hội, bình đẳng giáo dục, là việc có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 50 năm thống nhất đất nước, 80 năm thành lập ngành Giáo dục vào năm 2025.
“Chúng ta vẫn thường nói tới truyền thống trọng học, hiếu học, truyền thống văn hiến. Những giá trị truyền thống này là có thực và rất đáng tự hào. Nó thể hiện ở nhiều yếu tố như: số người đi học, tinh thần học tập, việc tôn sư trọng đạo… Nhưng một đất nước trọng học và hiếu học, cũng cần thể hiện ở những ngôi trường khang trang, đủ những thứ tối thiểu cho thầy cô tác nghiệp và học sinh học hành. Đây chưa phải là một ưu ái, ưu tiên ở bất kỳ cấp độ nào, mà là một yêu cầu tối thiểu và đương nhiên để duy trì hoạt động tối thiểu của việc dạy và học”, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ trăn trở.
Hiện nay, cả nước tỷ lệ kiên cố hóa bình quân đạt 86%, riêng mầm non và tiểu học đạt 83%, tỷ lệ này đã là rất cao so với 10 năm trước nhưng số chưa kiên cố hóa lại chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn, (như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, khu vực Trung bộ và cả Tây Nam Bộ), tỷ lệ chưa kiên cố hóa phòng học bậc mầm non và tiểu học nhiều tỉnh còn tới trên 40% (Đắk Nông, Kon Tum, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu,…).
Đáng chú ý, những trường học tạm này lại nhiều nhất ở bậc học mầm non và tiểu học. Các em nhỏ tuổi nhất trong lứa tuổi đi học cần được ưu ái chăm lo và cần phải được ngồi học trong những ngôi trường chắc chắn, có tiện nghi tối thiểu. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, mục tiêu trường ra trường, lớp ra lớp cần thực hiện một cách ráo riết hơn nữa.
Theo Bộ trưởng, trường học là một thiết chế cộng đồng, thuộc cộng đồng, trong cộng đồng. Nó cần được cộng đồng quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ. Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, đã dành nhiều nguồn lực, nhiều chương trình, dự án, đề án, dành nhiều tiền bạc cho công việc kiên cố hóa trường học để đạt được tỷ lệ phòng học kiên cố hóa toàn quốc như chúng ta thấy trong số liệu báo cáo. Các địa phương, các tỉnh thành trong cả nước cũng đã rất cố gắng trong việc này như: tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư; quy hoạch và xác định rõ từng khu vực cần ưu tiên xã hội hóa, tuyên truyền về ý nghĩa của việc xã hội hóa cho giáo dục,…
Tuy nhiên, vì số trường học trong cả nước rất lớn (trên 53.000 trường học), trong khi đất nước cũng vừa thoát nghèo, nguồn lực còn hạn chế, lại còn rất nhiều việc phải tập trung đầu tư. Vì vậy, việc kiên cố hóa trường học luôn luôn cần sự chung tay của toàn xã hội, của cộng đồng.
Người đứng đầu ngành giáo dục ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những tấm lòng vàng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã rất hăng hái quan tâm, góp sức cho xây trường học và nhà công vụ.
Nhiều người cũng chưa thực sự là giàu nhưng cũng bớt một phần tài sản của mình để tham gia xây trường học với những mức độ đóng góp khác nhau. Khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, và hàng nghìn cá nhân đã tham gia đóng góp để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Các con số cho thấy sức mạnh cộng đồng, mối quan tâm của người dân tới giáo dục nói chung và việc chăm lo cho trường học nói riêng là rất to lớn trong xã hội.
“Thay mặt cho các nhà giáo và các em học sinh được thụ hưởng sự quan tâm từ cộng đồng xã hội, được dạy và học trong những ngôi trường khang trang được dựng lên từ tình yêu thương, từ sự quan tâm, chia sẻ, tôi bày tỏ sự cảm tạ sâu sắc tới những tấm lòng vàng của các tập thể, tổ chức và cá nhân hảo tâm xây dựng. Thay mặt cho các thầy, các cô và các em học sinh còn đang ở những trường tạm bợ và khó khăn, tôi bày tỏ sự mong đợi sớm được nhận sự quan tâm từ các quý vị hảo tâm”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Doãn Nhàn
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh: Trần Hiệp
“Không đợi giàu mới thực hiện giúp đỡ cộng đồng…”
Xem thêm : Bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ 3 vào 10: Bỏ tư tưởng môn chính, môn phụ?
Theo Bộ trưởng, hoạt động thiện nguyện, quan tâm chia sẻ để xây trường học, tặng cho thầy trò vùng khó mang rất nhiều ý nghĩa giáo dục. Đây là một hành vi tốt đẹp, làm nhân lên những điều tốt đẹp trong xã hội.
“Khi ai đó cho đi một chút gì đó nho nhỏ, tức là khi đó người ta đã thắng được cái ích kỷ, cái tham nho nhỏ, làm lớn thêm một chút các giá trị bao dung và lòng vị tha. Khi ta chia sẻ cho người thứ gì đó lớn hơn, nhất là phần lớn so với những gì ta có, tức khi đó người ấy thắng được cái ích kỷ lớn hơn, rũ bỏ được cái tham lớn hơn, lòng người rộng mở và những gì tốt đẹp nhân lên trong tinh thần của người trao tặng.
Và về phía người nhận, họ được những điều kiện tốt hơn, và tinh thần họ ấm áp khi được quan tâm và lòng biết ơn sẽ nuôi dưỡng một tinh thần tốt đẹp bền vững hơn. Vì vậy, không đợi giàu mới thực hiện giúp đỡ cộng đồng, không phải đợi thành người lớn mới làm việc quan tâm và chia sẻ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Theo đó, trong việc xây dựng trường học và hỗ trợ trường học khó khăn, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn cả các thầy cô giáo và các em học sinh trong các trường học vẫn có thể tham gia với sự đóng góp vật nhỏ nghĩa lớn của mình. Đồng thời, lưu ý thầy cô giáo các vùng được thụ hưởng cần tăng cường giáo dục lòng biết ơn, nhớ ơn cho các em học sinh tới những người đã giúp đỡ, để bồi đắp cho tâm hồn, để các em sống tốt hơn, trách nhiệm với xã hội nhiều hơn.
“Những việc đó đều là nhiệm vụ của ngành giáo dục chúng ta. Trong việc giải quyết khó khăn cơ sở vật chất của ngành hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện theo một tinh thần giáo dục cao cả và nhân đó để thực hiện việc giáo dục toàn diện. Việc kiên cố hóa trường học, xét về ý nghĩa nhiều mặt, nó không chỉ kiên cố hóa cho những ngôi trường, phòng học mà nó còn công dụng “kiên cố hóa” đối với thiện tâm tốt lành và cái đẹp trong tinh thần con người”, Bộ trưởng khẳng định.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công nhằm tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác. Đồng thời, rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục để thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội cho việc này.
Vụ Cơ sở vật chất – Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đóng vai trò là đơn vị điều phối việc huy động nguồn lực xã hội cho kiên cố hóa trường học. Vụ có cơ sở dữ liệu tổng hợp nhu cầu, sẽ là đầu mối điều tiết, kết nối những nhà hảo tâm…
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương cần rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích mô hình hợp tác công tư trong giáo dục nhằm tối ưu hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân.
“Hôm nay, chúng ta tổ chức Hội nghị tổng kết việc huy động nguồn lực xã hội đóng góp cho việc kiên cố hóa trường học, có nhiều tấm gương được chúng ta khen thưởng, ghi nhận, biểu dương, có nhiều tổ chức cá nhân được nhắc tới, nhưng chắc chắn đó mới chỉ là một phần của những người đã và đang góp sức góp của cho công cuộc này.
Rất nhiều người còn chưa được nêu tên, chưa được biết tới, chưa được ghi nhận. Nhiều người làm việc một cách thầm lặng, thậm chí không muốn ai biết tới và ghi nhận. Nhân dịp này, chúng ta cần bày tỏ lời cảm ơn đối với những người còn chưa được ghi nhận hôm nay”, tư lệnh ngành giáo dục chia sẻ.
Một số hình ảnh khác tại hội nghị sáng nay:
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023. Ảnh: Trần Hiệp
Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cam kết hỗ trợ 70 tỷ đồng cho kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Ảnh: Trần Hiệp
Tập đoàn Phenikaa cam kết tài trợ 20 tỷ đồng cho kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Ảnh: Trần Hiệp
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cam kết hỗ trợ 5 tỷ đồng cho kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Ảnh: Trần Hiệp
Doãn Nhàn
https://giaoduc.net.vn/kien-co-hoa-truong-lop-cung-la-kien-co-hoa-cai-dep-trong-tinh-than-con-nguoi-post246512.gd
Nguồn: https://dut.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục