Theo phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 (Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo), môn Sinh học được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên giấy.
- 9 tuổi mồ côi cha mẹ, nữ sinh cùng bà nhặt ve chai, bắt ốc chinh phục ước mơ ĐH
- Quy định chỉ tiêu VLVH không quá 50% chính quy, ĐH Sư phạm Thái Nguyên vượt 262%
- Thấy gì từ cuộc tranh luận về bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của Tô Hà?
- Những chính sách về lương, phụ cấp trong dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất
- Trường ĐH so sánh giữa kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài và trong nước
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Sinh học từ năm 2025.
Bạn đang xem: Giáo viên gợi ý lời giải cho câu hỏi khó nhất trong đề tham khảo môn Sinh học
Đề thi đủ phân hóa để phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Nguyễn Việt Cường – Giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết:
“Về tổng thể, đề thi tham khảo vẫn tuân thủ theo cấu trúc đề do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó. Định dạng đề thi này sẽ hạn chế được việc học sinh lựa chọn ngẫu nhiên và may mắn đúng, hoặc sử dụng logic học đơn thuần để tìm ra phương án trả lời mà không cần hiểu nội dung.
Về độ khó và khả năng phân hóa của các câu hỏi trong đề, có thể thấy phần I đa số là câu hỏi cơ bản thuộc thành phần năng lực sinh học, phần II là phần yêu cầu cao nhất cả về kiến thức, năng lực và kĩ năng làm bài của học sinh.
Các câu hỏi phần này đều thuộc phần năng lực tìm hiểu thế giới sống với độ phân hóa tốt, đòi hỏi thí sinh hiểu bản chất kiến thức cốt lõi và sử dụng hiểu biết này để giải quyết các vấn đề trong quy trình nghiên cứu một đối tượng Sinh học cụ thể.
Ngoài ra, có 1 câu hỏi trong phần I (câu hỏi về nhóm máu Rh ở người) và cả 6 câu hỏi ở phần III đều yêu cầu học sinh vận dụng được kiến thức và năng lực để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Do vậy, nhìn chung qua đề tham khảo, có thể kì vọng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 sẽ giải quyết được 2 vấn đề, đó là đủ cơ bản để phục vụ mục tiêu tốt nghiệp và đủ phân hóa để phục vụ tuyển sinh vào đại học, cao đẳng”.
Thầy Nguyễn Thành Công – Giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét, phần trắc nghiệm khách quan chủ yếu kiểm tra năng lực nhận thức sinh học, mức độ tư duy ở mức nhận biết và thông hiểu, với 4,5 điểm phù hợp với các thí sinh thi để xét tốt nghiệp.
Ở phần lựa chọn đúng/sai cách phân bố điểm ở các mức: 0 – 0,1 – 0,25 – 0,5 – 1,0 điểm để đảm bảo các thí sinh thực sự hiểu kiến thức mới đạt được điểm tối đa. Đây là cách thức để tìm được đúng học sinh giỏi và loại bỏ yếu tố may mắn.
Phần trả lời số liệu, đòi hỏi thí sinh phải thực sự tính toán được kết quả đúng mới có đáp án chính xác, loại bỏ yếu tố may mắn, xác suất đoán trúng…
“Theo phân tích của tôi, có khoảng 65% các câu hỏi/lệnh hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu; 35% ở mức độ vận dụng (vừa và khó), mặc dù đề thi gần như đã loại bỏ các yếu tố tính toán lắt léo theo kiểu đánh đố trước đây nhưng không vì thế mà độ khó của đề giảm đi.
Ngay cả với học sinh giỏi, để đạt được điểm 10 không dễ, đặc biệt dễ mất điểm ở phần xác định đúng/sai. Điều này sẽ tránh được tình trạng “mưa điểm 10″, đỉnh của phổ điểm sẽ lùi về vị trí 5 điểm, khoảng cách giữa điểm trung vị và điểm tối đa sẽ xa hơn, phân hoá thí sinh tốt và các trường đại học sẽ lựa chọn được đúng đối tượng thí sinh hơn” – thầy Công bày tỏ.
Thầy Nguyễn Thành Công – Giáo viên môn Sinh học Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Thầy Huỳnh Nguyễn Việt Cường thông tin, có 3 điểm nổi bật nhất trong đề thi theo cấu trúc mới so với cấu trúc cũ đó là quy trình xây dựng câu hỏi, thay đổi tỉ trọng nội dung kiến thức và nội dung câu hỏi.
Về quy trình, các câu hỏi được xây dựng từ việc xác định năng lực và chỉ báo, rồi lựa chọn nội dung phù hợp với yêu cầu. Khác với việc xây dựng nội dung rồi mới xác định năng lực theo quy trình cũ.
Về tỉ trọng kiến thức, đề tham khảo thể hiện kiến thức chủ yếu ở lớp 12 (Di truyền, Tiến hóa, Sinh thái) và một phần lớp 11 (Chuyển hóa vật chất và năng lượng), ngoài ra đề thi có 2 lệnh hỏi liên quan đến nội dung của lớp 10 thuộc phần xây dựng quy trình thực nghiệm/nghiên cứu khoa học. Đây cũng là mẫu câu hỏi lần đầu tiên được giới thiệu trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phần Di truyền học chiếm tỉ trọng lớn nhất với 16 lệnh hỏi được phân bổ ở các nội dung Di truyền phân tử, Di truyền nhiễm sắc thể, Di truyền người, Di truyền quần thể; trong đó lượng câu hỏi mỗi phần được cân đối, câu hỏi về Quy luật di truyền thuần túy chỉ còn 2 câu, trái ngược hẳn với lượng câu hỏi phần này rất nhiều vốn là “đặc sản” của nhiều đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình cũ.
Về nội dung câu hỏi, có thể thấy rất rõ ràng đặc tính của đề thi theo hướng đánh giá năng lực, đó là xây dựng “bối cảnh có ý nghĩa”. Các câu hỏi trong đề tham khảo đặt thí sinh vào tình huống cụ thể với đối tượng cụ thể (không phải là loài X, Y hay bệnh M, bệnh N…) có ý nghĩa thực tiễn hoặc với khoa học.
Để xây dựng những câu hỏi này, ngữ liệu từ các thực nghiệm và nghiên cứu khoa học rất quan trọng. Đề thi đánh giá năng lực thực chất, không “bịa” ra số liệu cũng như ép thí sinh chấp nhận các giả thuyết và thực hiện nhiều phép tính.
Học sinh không thể học thuộc lòng lý thuyết và rèn luyện nhiều bài tập tính toán
Theo thầy Huỳnh Nguyễn Việt Cường, để làm tốt các đề thi theo định dạng mới, học sinh cần làm quen với định dạng phiếu trắc nghiệm với 3 phần riêng biệt. Đặc biệt, các phần II và III đòi hỏi thí sinh thật cẩn thận.
Phần II tuy thao tác trả lời đơn giản nhưng nếu phân tích đề không đúng hướng đi, học sinh rất dễ mất điểm. Mỗi câu hỏi phần nếu xác định tính chất đúng – sai với lần lượt 4/3/2/1 sẽ có tương ứng 1đ/0,5đ/0,25đ/0,1đ.
Xem thêm : Quốc Oai bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường tiểu học
Do vậy khâu đọc đề và phân tích đề, lựa chọn đáp án phải kỹ càng bởi sai sót sẽ phải “trả giá” với số điểm tương đối lớn.
Phần III đòi hỏi học sinh không chỉ phân tích và trả lời được câu hỏi mà còn đòi hỏi câu trả lời phù hợp với yêu cầu. Đáp án chỉ có duy nhất 1 phương án được mã hóa dạng số nên chỉ cần thao tác nhầm, thí sinh sẽ mất điểm.
Do vậy, ngoài việc học tập chăm chỉ thì học sinh cần phải được rèn giũa kĩ năng làm bài trắc nghiệm theo định dạng mới.
Thầy Huỳnh Nguyễn Việt Cường (ngoài cùng bên trái) cùng các giáo viên Tổ Sinh – Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: website nhà trường.
Thầy Cường nói thêm, riêng bộ môn Sinh học, các năm qua đề thi đã thay đổi rất nhiều theo hướng đánh giá năng lực, không riêng gì từ 2025, do vậy phương pháp học tập theo hướng cũ (thuộc lòng lý thuyết và rèn nhiều bài tập tính toán) không còn phù hợp.
Để học kiến thức cốt lõi hiệu quả, học sinh cần triển khai yêu cầu cần đạt của chương trình ứng với bộ sách giáo khoa mà trường áp dụng, ngoài ra có thể đọc thêm các bộ sách giáo khoa hoặc tài liệu khác để bổ sung hiểu biết.
Song song với việc học kiến thức cốt lõi và rèn kĩ năng trên phiếu trắc nghiệm mới, học sinh nên chủ động tìm thêm nguồn câu hỏi ôn tập phù hợp.
Nên lựa chọn những cuốn sách do các nhóm tác giả có thực tiễn dạy học phổ thông và xây dựng câu hỏi theo đúng tinh thần đổi mới – đó là câu hỏi dựa trên “bối cảnh có ý nghĩa”; tránh những tài liệu theo mô hình “bình mới rượu cũ”, đặc biệt là những câu hỏi theo mô hình trả lời mã hóa dạng số hoặc tính toán nhưng thực tế là các bài tập lạc hậu theo mẫu cũ, chỉ xóa đi các đáp án A/B/C/D cho “đúng định dạng”.
Thầy Nguyễn Thành Công khẳng định, thí sinh phải học, hiểu đúng bản chất và các kiến thức của môn Sinh học. Không học thuộc lòng, không học tủ, phải hiểu trọn vẹn vấn đề.
Biết và hiểu là 2 nền cơ bản nhưng từ nền tảng này dần hoàn thành các mức độ cao hơn là vận dụng vào giải quyết các vấn đề, rèn luyện tư duy logic, khả năng tính toán, kĩ năng đánh giá, so sánh, phân tích, tổng hợp để đi vào giải quyết câu hỏi thành phần cũng như toàn bộ đề thi.
Học sinh cần đẩy nhanh tiến độ học, tự học để hoàn thành sớm chương trình, sau đó dành thời gian để tổng hợp kiến thức và xây dựng, hoàn thiện hệ thống kĩ năng cho riêng mình.
Tìm các nguồn đề uy tín từ các nhà xuất bản lớn để luyện đề theo định dạng mới, dần làm quen với dạng đề, dạng câu hỏi và thời gian của đề thi.
Giáo viên hướng dẫn trả lời câu hỏi khó trong đề thi tham khảo
Câu 14 trong đề tham khảo môn Sinh học được các giáo viên đánh giá là “thách thức” nhất.
Theo đánh giá của thầy Nguyễn Duy Khánh – Giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội, từng công tác tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), đây là dạng câu hỏi tích hợp kiến thức, học sinh cần có năng lực đọc hiểu về nội dung Sinh học 11 (Sinh lí học ở người) và Sinh học 12 (Di truyền học người và Di truyền học quần thể).
Thông thường, khi xét về nhóm máu ở người thì các dạng câu hỏi, bài tập trước đây thường đề cập đến hệ thống ABO. Việc đưa hệ thống Rhesus (Rh+, Rh-) là một yếu tố mới lạ khi học sinh tiếp cận.
Trong bài tập này, học sinh cần hiểu thông tin là người mẹ Rh- mà mang thai đứa con thứ nhất Rh+ thì đứa con vẫn được sinh ra bình thường nhưng hệ thống miễn dịch thực ra đã sinh ra kháng thể (anti – D) để chống lại (vì coi đứa con Rh+ là kháng nguyên gây nguy hiểm cho người mẹ).
Tuy nhiên kể từ lần mang thai sau của thai phụ, nếu đứa con tiếp tục có Rh+ sẽ tạo ra sự bất đồng nhóm máu nguy hiểm và gây sảy thai.
Tiếp theo, xử lí yêu cầu của bài tập dựa trên cơ sở Di truyền học người và Di truyền học quần thể:
Tỉ lệ người có nhóm máu Rh− ở người Việt Nam khoảng 0,5% thì tỉ lệ kiểu gene sẽ là 95%R- : 5%rr. Người chồng có thể có kiểu gene RR hoặc Rr.
Mặc dù đề bài không đưa thông tin quần thể người Việt Nam có cân bằng di truyền yếu tố Rhesus này hay không nhưng khi xét trên một không gian mẫu lớn thì các bài tập này vẫn thường được xử lí theo định luật Hardy – Weinberg.
Khi đó, người Việt có khoảng 0,5% người có nhóm máu rr → tần số allele r chiếm tỉ lệ rất nhỏ, khoảng 0,071 → tần số allele R trong là 0,929 nên khả năng một người có kiểu gene RR là là khoảng 86,3%; kiểu gene Rr khoảng 13,2%.
Người vợ có anh ruột và hai cháu ruột có kiểu hình Rh- có kiểu gene rr, do vậy bố mẹ vợ phải cùng cho allele r, bố mẹ vợ có thể có kiểu gene Rr hoặc rr (thông thường giáo viên và học sinh khi xét dữ kiện này sẽ cho rằng bố và mẹ có kiểu gene Rr luôn theo thói quen). Khi đó người vợ có thể có kiểu gene RR, Rr hoặc rr.
Xem thêm : Chuyên gia cùng trao đổi về mô hình quản trị đại học hướng tới đào tạo đa ngành
Như vậy, A và B sai vì người chồng có thể có kiểu gene Rr (Rh+) × người vợ có kiểu gene rr (Rh-) → đứa con thứ nhất máu Rh+ (Rr), đứa con thứ 2 có thể Rh+ (Rr) và bị sảy thai.
C đúng. Mặc dù xác suất chung của quần thể chỉ đạt 5% nhưng trong gia đình này người anh vợ có kiểu gene rr, khi đó bố mẹ vợ sẽ có kiểu gene Rr hoặc rr thì xác suất người vợ có kiểu gene rr (Rh-) là cao hơn bình thường.
Do đề bài không cho dữ kiện nên không thể kết luận được cụ thể kiểu gene của bố và mẹ. Tuy nhiên sẽ có 3 trường hợp xảy ra: P: Rr × Rr hoặc P: Rr × rr hoặc P: rr × rr thì người vợ có thể có kiểu gene rr với xác suất 25%; 50% hoặc 100%.
D sai vì khi kiểu gene của chồng Rr × vợ rr → 50%Rr (Rh+) : 50%rr (Rh-), tỉ lệ sảy thai là 50%, không lớn hơn 50%.
Thầy Nguyễn Duy Khánh – Giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội, từng công tác tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ). Ảnh: NVCC.
Hướng dẫn của thầy Huỳnh Nguyễn Việt Cường – Giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Để có thể làm được câu hỏi này, học sinh cần có kĩ năng đọc hiểu tốt bên cạnh nền tảng kiến thức về sinh lý – di truyền người và cả di truyền quần thể.
Trước hết, cần điểm qua một chút về nhóm máu Rh. Trên hồng cầu người có nhiều hệ thống phân loại khác nhau, tiêu biểu là hệ thống ABO và Rh. Đặc điểm về nhóm máu Rh có thể tóm tắt như sau:
Kiểu gene | Nhóm máu | Kháng nguyên trên hồng cầu | Kháng thể trong huyết tương |
RR hoặc Rr | Rh+ | Có | Không |
rr | Rh- | Không | Có |
Một người phụ nữ có nhóm máu Rh-, khi mang thai đứa con đầu lòng có nhóm máu Rh+ sẽ sản xuất kháng thể nhiều hơn và từ lần mang thai thứ 2, kháng thể có thể đi qua nhau thai và tấn công các hồng cầu của con (nếu hồng cầu có kháng nguyên), dẫn đến thai bị thiếu máu tan huyết hoặc nặng hơn là sảy thai.
Tiếp theo, cần phân tích dữ liệu phả hệ kết hợp di truyền quần thể:
Trong quần thể người Việt có khoảng 0,5% người có nhóm máu rr; chứng tỏ allele r chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 0,071; do vậy tần số allele R trong quần thể người Việt là 0,929 nên khả năng một người mang RR là rất cao, khoảng 86,3%.
Người vợ có một anh ruột và hai cháu ruột rr, chứng tỏ bố mẹ người này có kiểu gene Rr và Rr. Do vậy khả năng người vợ mang rr là 25%, cao hơn rất nhiều so với mức 0,5% của quần thể.
Đáp án C là phù hợp.
Cần lưu ý rằng con đầu lòng của người này là Rh+, dữ kiện này có thể giúp làm giảm xác suất thực tế của người vợ mang rr nhỏ hơn 25% (vì người chồng có khả năng rất cao mang RR và khả năng thấp hơn mang Rr), tuy nhiên xác suất này cũng vẫn lớn hơn rất nhiều so với mức 0,5%.
Hướng dẫn của thầy Nguyễn Thành Công – Giáo viên môn Sinh học Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.
Quy ước: R (Rh+) >> r (Rh-)
Quần thể luôn chịu áp lực của chọn lọc chống lại allele lặn r, đề bài không cho dữ liệu về quần thể có cân bằng di truyền hay không do đó không áp dụng phương trình Hardy – Weinberg.
Người vợ có anh ruột và hai cháu có kiểu gene rr, do vậy bố mẹ vợ phải cùng cho allele r, bố mẹ vợ hoàn toàn có thể có kiểu gene Rr hoặc rr.
Người vợ có thể mang kiểu gene RR, Rr và rr.
Người chồng đến từ quần thể này do vậy anh ấy hoàn toàn có thể mang 95% R- và 5%rr
Đứa con thứ nhất của họ có kiểu gene R- gợi ý rằng ít nhất 1 bên bố hoặc mẹ mang allele R.
A và B sai, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng kiểu gene của người chồng Rr và người vợ rr, đứa con thứ nhất máu Rh+ (Rr), đứa con thứ 2 có thể Rh+ (Rr) và bị sảy thai.
C. Đúng, người vợ có khả năng sảy thai, xác suất chung của quần thể chỉ đạt 5% nhưng trong gia đình này người anh vợ mang kiểu gene rr, ít nhất bố mẹ vợ có kiểu gene *r x *r, tỉ lệ kiểu gene rr nhỏ nhất đạt ½r x ½r = ¼ = 25% > 7%.
D. Sai, câu này nếu đứng một mình thì ta hiểu phép lai chồng Rr x vợ rr → 50%Rr (Rh+) : 50%rr (Rh-), tỉ lệ sảy thai là 50% chứ không lớn hơn 50%. Còn nếu “cao hơn 50% so với thực tế” thì chưa có căn cứ để giải quyết.
Hồng Linh
https://giaoduc.net.vn/giao-vien-goi-y-loi-giai-cho-cau-hoi-kho-nhat-trong-de-tham-khao-mon-sinh-hoc-post246461.gd
Nguồn: https://dut.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục