Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản. Một số trường mặc dù có điểm tuyển sinh thấp nhưng vẫn không tuyển đủ sinh viên.
- Huyện Phúc Thọ: Gắn biển công trình Trường THCS Long Xuyên
- Sắp ban hành tài liệu phòng, chống ma túy trong trường học
- Thành phố Hồ Chí Minh: Tri ân hàng nghìn nhà giáo đi B và nhà giáo nội đô
- Từ sau năm 2030 từng bước thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính
- Chỉ tiêu từ xa có ngành gấp 4 lần chính quy, HUTECH nói do thị trường cần nhiều
Nguyên nhân được các trường đại học chỉ ra là mức lương và chế độ đãi ngộ của những người làm việc trong lĩnh vực khoa học cơ bản còn thấp, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ hay học bổng, xã hội chưa hiểu rõ tầm quan trọng của lĩnh vực này.
Bạn đang xem: Chuyên gia hiến kế phát triển các ngành khoa học cơ bản
Khoa học cơ bản là nền tảng cho các lĩnh vực khác nhưng đang dần mất đi sức hấp dẫn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục điện tử Việt Nam, GS, TSKH, Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng trong bất kỳ ngành khoa học nào, khoa học cơ bản là nền tảng vững chắc để các ngành khoa học khác phát triển.
“Nếu so sánh kiến thức khoa học với một tòa nhà, khoa học cơ bản là cốt lõi, giống như nền móng và khung, giúp giữ cho tòa nhà đứng vững. Cái cốt lõi này ít thấy và khó nhận ra, nhưng lại đóng vai trò quan trọng. Tương tự, khoa học cơ bản không trực tiếp tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ dễ nhìn thấy và sử dụng ngay, nhưng chúng là nền tảng cho mọi tiến bộ khoa học và công nghệ trong tương lai”, GS Vũ Minh Giang cho biết.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang. (Ảnh: Nhật Lê)
Theo GS Vũ Minh Giang, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, sinh viên ngày càng chú trọng vào các ngành học có thể tìm việc nhanh và có thu nhập cao như công nghệ thông tin, kinh tế hay kỹ thuật ứng dụng. Trong khi đó, số lượng vị trí việc làm cho các ngành khoa học cơ bản lại rất hạn chế, chủ yếu tập trung ở các viện nghiên cứu hoặc giảng dạy tại các trường đại học. Điều này dẫn đến một nghịch lý là các ngành học đòi hỏi sự tập trung và nỗ lực lớn từ sinh viên lại không được đánh giá cao về cơ hội nghề nghiệp, khiến sinh viên ngày càng ngần ngại khi tiếp cận.
“Một trong những lý do khiến khoa học cơ bản mất đi sức hấp dẫn là xã hội chưa nhìn nhận đúng tầm quan trọng của nhóm lĩnh vực này. Đồng thời, hiện nay chưa có nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt cho sinh viên theo đuổi khoa học cơ bản. Ở các nước phát triển, sinh viên có năng lực nghiên cứu và đam mê khoa học cơ bản thường được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước. Điều này giúp họ có điều kiện tốt hơn để theo đuổi nghiên cứu và giảng dạy. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sự quan tâm đến khoa học cơ bản vẫn còn hạn chế.
Một lý do nữa là các ngành khoa học cơ bản rất khó, đòi hỏi sinh viên phải đam mê, có khả năng tư duy và kiên trì trong quá trình nghiên cứu. Thực tế, không phải ai cũng có khả năng theo đuổi và thành công ở các lĩnh vực này. Do đó, sau một thời gian dài trải qua khó khăn, cơ hội việc làm hạn chế, sinh viên dễ nản lòng và lựa chọn các ngành học khác dễ tiếp cận hơn và có tiềm năng nghề nghiệp tốt hơn”, ông Giang chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, GS, TS Nguyễn Hùng Huy – Trưởng Bộ môn Hóa vô cơ, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, tầm quan trọng của khoa học cơ bản không chỉ được nêu trên lý thuyết mà còn được chứng minh trên thực tế. Những phát minh vĩ đại trong lịch sử nhân loại đều bắt nguồn từ nghiên cứu trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học và Sinh học. Tuy nhiên, hiện nay, nền kinh tế thị trường đang trên đà phát triển khiến sự quan tâm của sinh viên đối với các lĩnh vực này giảm sút, chủ yếu là do họ thường chọn những ngành có tính ứng dụng cao và dễ tìm việc sau khi tốt nghiệp.
Xem thêm : Trường ĐH Điện lực nhận nuôi nữ sinh mồ côi cha mẹ sau trận lũ quét ở Lào Cai
Lý do đầu tiên khiến khoa học cơ bản mất đi sức hấp dẫn là nhiều phụ huynh và học sinh không nhận thức được tầm quan trọng và cơ hội nghề nghiệp mà khoa học cơ bản mang lại. Họ thường tập trung vào các lĩnh vực “hot” như kinh tế, tiếp thị… mà không hiểu sâu sắc về giá trị và triển vọng phát triển của khoa học cơ bản.
Nguyên nhân thứ hai là chính sách hỗ trợ cho các chuyên ngành khoa học cơ bản chưa đủ sức hấp dẫn. Mặc dù một số chuyên ngành đã được ưu tiên hỗ trợ, nhưng nhiều lĩnh vực khác vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, cần cân nhắc áp dụng các chính sách hỗ trợ như miễn giảm học phí, học bổng cho sinh viên giỏi trong lĩnh vực khoa học cơ bản. Sự hỗ trợ này không chỉ giúp sinh viên giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn khuyến khích các em theo đuổi đam mê trong lĩnh vực mà xã hội đang rất cần.
Trao đổi về vấn đề này, một giảng viên khoa Hóa trường Đại học Đà Lạt nhận định, xu hướng nghề nghiệp và nhu cầu thị trường lao động hiện nay đang có sự thay đổi đáng kể. Với sự bùng nổ của công nghệ và nền kinh tế số, các chuyên ngành liên quan đến công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và kinh doanh đang thu hút lượng lớn sinh viên theo học. Các ngành này có cơ hội việc làm cao, thu nhập tốt và phát triển nghề nghiệp nhanh. Trong khi đó, khoa học cơ bản thường bị đánh giá là ít việc làm, đặc biệt là những công việc có mức lương cao và cơ hội thăng tiến.
Ngoài ra, hệ thống giáo dục và cách giảng dạy khoa học cơ bản trong trường học cũng có thể là những yếu tố làm giảm sức hấp dẫn của nhóm chuyên ngành này. Phương pháp giảng dạy truyền thống, nặng về lý thuyết và ít thực hành, khiến người học cảm thấy không hứng thú. Nhiều sinh viên thấy kiến thức trong các môn học này khô khan và khó áp dụng vào thực tế. Nếu người học không thấy được mối liên hệ giữa lý thuyết và những gì họ có thể làm trong tương lai, thì có thể hiểu được tại sao nhóm chuyên ngành này kém hấp dẫn.
Hơn nữa, tình trạng thiếu giáo viên có trình độ cao và môi trường học tập không phù hợp cũng là một trong những lý do khiến người học mất tự tin khi theo đuổi các môn khoa học cơ bản.
Bởi vì, để có thể giảng dạy tốt các môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh, đòi hỏi giảng viên phải có năng lực thực sự và lòng đam mê với nghề. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong giáo dục đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dạy và học. Cùng với đó, việc thiếu cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị học tập cũng khiến quá trình học tập, nghiên cứu của sinh viên gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả.
Cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, phòng thực hành) để phục vụ cho các lĩnh vực khoa học cơ bản. (Ảnh minh họa: VNU)
Cần phải có chiến lược dài hạn để phát triển khoa học cơ bản và thu hút nhân tài.
Trước tình trạng học sinh không còn hứng thú với các môn khoa học cơ bản, GS Vũ Minh Giang cho rằng, xã hội cần thay đổi cách nhìn và Nhà nước cần đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.
Ví dụ, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm, trong đó sinh viên sư phạm được miễn học phí và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng, đã khiến ngành Sư phạm nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các ứng viên. Do đó, cần cân nhắc có thêm nhiều chính sách tương tự để thu hút nhân tài thực sự vào ngành khoa học cơ bản.
“Phát triển khoa học cơ bản không chỉ đơn thuần là tăng số lượng sinh viên, mà còn phải chú trọng đến chất lượng giáo dục và nghiên cứu. Cần có biện pháp phát hiện và bồi dưỡng nhân tài từ sớm, bắt đầu từ bậc phổ thông. Tuy nhiên, quan trọng hơn, sau khi phát hiện ra nhân tài, cần có cơ chế cụ thể để giữ chân họ trong lĩnh vực khoa học cơ bản, thay vì để họ chuyển sang các lĩnh vực khác hấp dẫn thị trường lao động.
Xem thêm : Khởi công xây dựng tòa nhà lớp học 3 tầng tại Điện Biên do BAC A BANK tài trợ
Trong quá trình này, cần nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của khoa học cơ bản. Chúng ta không thể chỉ đánh giá một lĩnh vực nghiên cứu bằng số tiền nó mang lại hoặc số lượng cơ hội việc làm ngay lập tức mà nó mang lại.
Toán học, Vật lý, Hóa học và Sinh học không chỉ là nền tảng của nhiều lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, y học và kỹ thuật mà còn góp phần giải quyết các vấn đề lớn của thế giới như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng. Việc thúc đẩy tầm quan trọng của các ngành khoa học cơ bản, cùng với việc tổ chức các cuộc thi khoa học, chương trình học bổng và các sự kiện khoa học sẽ góp phần thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về các lĩnh vực này.
Vì vậy, việc thu hút sinh viên vào khoa học cơ bản cần được quan tâm từ nhiều phía: Chính sách của Nhà nước, nhận thức xã hội và tạo ra cơ hội việc làm, nghiên cứu thực sự hấp dẫn cho những người đam mê và có năng lực trong lĩnh vực này. Chỉ có như vậy khoa học cơ bản mới có thể tiếp tục phát triển và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước”, GS Vũ Minh Giang bày tỏ.
Trong khi đó, GS, TS Nguyễn Hùng Huy cho rằng, việc xây dựng các chương trình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Các cơ sở giáo dục cần tạo cơ hội thực tập, thực hành cho sinh viên tại các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu để các em có thể trải nghiệm thực tế, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của khoa học cơ bản trong xã hội. Qua đó, sinh viên sẽ thấy được khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, từ đó khơi dậy sự hứng thú của các em đối với các lĩnh vực này.
GS, TS Nguyễn Hùng Huy (thứ 6 từ trái sang) – Trưởng Bộ môn Hóa vô cơ, Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Website trường)
Ngoài ra, theo ông Huy, cũng cần phải xem xét đổi mới chương trình đào tạo. Chương trình cần lồng ghép các vấn đề thực tiễn, gắn kết lý thuyết với ứng dụng. Sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn cần tham gia các dự án nghiên cứu, hoạt động trải nghiệm thực tế. Điều này sẽ giúp các em hiểu được những gì mình học có thể áp dụng vào cuộc sống như thế nào.
Do đó, việc có chiến lược dài hạn để phát triển khối khoa học cơ bản là nhiệm vụ cấp bách, bao gồm không chỉ các chính sách ngắn hạn mà còn là tầm nhìn dài hạn để phát triển nguồn nhân lực cho khối này trong tương lai. Nhà nước cần có kế hoạch thu hút các nhà khoa học, giáo sư giỏi về giảng dạy, nghiên cứu, từ đó tạo ra môi trường học tập chất lượng cao cho sinh viên.
Trong khi đó, một giảng viên khoa Hóa tại Đại học Đà Lạt cho biết, để thu hút được nhân tài đam mê khoa học cơ bản, ngoài các chính sách hỗ trợ đặc biệt, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cũng vô cùng quan trọng. Nhà nước cần đầu tư thỏa đáng vào các trường đại học, viện nghiên cứu, cũng như các trường phổ thông để đảm bảo cho học sinh có môi trường học tập tốt nhất. Các phòng thí nghiệm, trang thiết bị nghiên cứu được trang bị đầy đủ không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn khơi dậy niềm đam mê học tập của học sinh.
“Nhìn chung, việc mất đi sức hấp dẫn của khoa học cơ bản là vấn đề đáng lo ngại nhưng có thể khắc phục nếu có giải pháp kịp thời và phù hợp. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cải tiến phương pháp giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao nhận thức xã hội là những yếu tố then chốt đưa khoa học cơ bản trở lại vị thế vốn có, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”, một giảng viên của Trường Đại học Đà Lạt cho biết.
Thu Thủy
https://giaoduc.net.vn/chuyen-gia-hien-ke-phat-trien-cac-nganh-khoa-hoc-co-ban-post245697.gd
Nguồn: https://dut.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục