Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
- Có một nghề đặc biệt như thế – những người làm giáo dục STEM
- Chàng trai vùng cao chinh phục ước mơ bác sĩ từ vùng núi xa xôi
- Bất cập khi lấy bình quân học sinh/lớp để tính định mức biên chế giáo viên
- Tặng quà 70 nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn
- Tin học, Công nghệ quan trọng với nhân lực STEM, cần đưa vào tổ hợp xét tuyển ĐH
Theo đó, trong danh sách dự kiến 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có Trường Đại học Điện lực. Dự kiến danh sách cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở gồm:
Bạn đang xem: Cần miễn, giảm học phí, có học bổng đối với người học về công nghiệp bán dẫn
Ảnh: chụp màn hình từ Quyết định số 1017/QĐ-TTg
Mục tiêu đến năm 2030 nước ta đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Theo Quyết định, mục tiêu chung đến năm 2030, Việt Nam đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng tập trung vào công đoạn thiết kế, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn.
Định hướng đến năm 2050, nước ta phấn đấu có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam cả về chất lượng và số lượng. Các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.
Về mục tiêu cụ thể, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong đó, nước ta cần đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh đó, Việt Nam định hướng đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.
Theo đó, căn cứ khả năng cân đối, ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại khoảng 18 cơ sở giáo dục đại học công lập ở 3 miền Bắc, Trung và Nam.
Trường Đại học Điện lực thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao đào tạo về ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: NTCC.
Với truyền thống hơn 120 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Điện lực là một trường đại học công lập đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Nhà trường cũng là một trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của ngành năng lượng Việt Nam.
Mục tiêu lâu dài và bền vững của Trường Đại học Điện lực là trở thành trường đại học theo ứng dụng hàng đầu Việt Nam, mô hình tự chủ toàn diện, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến khu vực và quốc tế. Người học được đào tạo toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động, có khả năng học tập suốt đời, có năng lực sáng tạo và khởi nghiệp. Kết quả nghiên cứu khoa học đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhà trường chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Duy Phong – Trưởng Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường Đại học Điện lực cho biết: Với vai trò then chốt trong nền kinh tế số hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng của mình trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.
Sản phẩm bán dẫn đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống kinh tế – xã hội. Công nghiệp bán dẫn và chip bán dẫn đã có mặt trong hầu hết các thiết bị, với mọi mặt của cuộc sống con người; đồng thời đã, đang và sẽ thay đổi, định hình thế giới, có sức ảnh hưởng to lớn tới an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng.
Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường Đại học Điện lực là một đơn vị đang đào tạo hệ đại học ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử – Viễn thông và bậc thạc sĩ, tiến sĩ đối với ngành Kỹ thuật điện tử. Đây là những ngành rất gần với lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Mục tiêu của Trường Đại học Điện lực đến năm 2030 đào tạo, tuyển sinh được khoảng 5.000 nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và tập trung nghiên cứu khoa học vào thiết kế chip chuyên dụng trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng. Ảnh: NVCC.
Để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cần thực hiện đồng bộ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhóm giải pháp về đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo có vai trò rất quan trọng.
Theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg, Trường Đại học Điện lực được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đây là điều rất thuận lợi để giúp trường đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực ngành này phục vụ cho xã hội và đất nước.
Đội ngũ giảng viên là một yếu tố then chốt rất quan trọng trong công tác đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời đội ngũ vận hành phòng thí nghiệm cũng cần được đầu tư, bồi dưỡng và phát triển. Hiện nay, Khoa và nhà trường đã thu hút được đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, chuyên gia ở trong và ngoài nước về trường công tác nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong những năm qua, nhà trường có những bước phát triển vượt bậc, khi đến nay Khoa có trên 70% giảng viên là phó giáo sư, tiến sĩ có thể đảm đương tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hằng năm, cơ sở đào tạo đã cung cấp cho xã hội hàng trăm kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ có trình độ cao, có kỹ năng làm việc khoa học, có khả năng thích ứng tốt với yêu cầu của thị trường lao động, được các cơ quan, doanh nghiệp và người sử dụng lao động đánh giá cao.
Theo Tiến sĩ Phạm Duy Phong, căn cứ Quyết định số 1017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo cách tiếp cận độc đáo, thể hiện lý luận và đường đi theo công thức: C = SET+1.
Trong đó, C là viết tắt của “Chip” (chip bán dẫn), S là viết tắt của “Specialized” (phát triển chip chuyên dụng), E là viết tắt của “Electronics” (công nghiệp điện tử), T là viết tắt của “Talent” (Nhân lực công nghệ), +1 là Việt Nam (thể hiện nước ta là điểm đến an toàn của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu).
Ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở là điều thuận lợi giúp nhà trường đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: NVCC.
Vì vậy, ngoài việc xem xét ưu tiên xây dựng phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại về bán dẫn cộng thêm lý do ngành Công nghiệp điện tử là đầu ra cho công nghiệp bán dẫn nên Trường Đại học Điện lực đang đẩy mạnh đầu tư các phòng thí thí nghiệm, thực hành về điện tử viễn thông, đã xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị trong năm 2025, giai đoạn 2026 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, theo Tiến sĩ Phạm Duy Phong, cùng với sự phát triển của chip chuyên dụng và công nghiệp điện tử, chúng ta cần thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, đẩy mạnh nguồn nhân lực và chiêu mộ đội ngũ nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn. Muốn đạt được những nhiệm vụ, giải pháp như vậy thì cần phải đẩy mạnh đào tạo sau đại học, gắn đào tạo sau đại học với nghiên cứu khoa học.
Trong thời gian vừa qua, Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường Đại học Điện lực đẩy mạnh đào tạo bậc sau đại học ngành Kỹ thuật điện tử. Hiện đang có nhiều nghiên cứu sinh và học viên cao học nghiên cứu, làm luận văn, luận án về lĩnh vực bán dẫn này.
Để đẩy mạnh đào tạo đại học và sau đại học trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Nhà nước cũng cần sớm ban hành những chính sách đột phá, vượt trội như miễn, giảm học phí, chính sách học bổng, đầu tư kinh phí nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nhà khoa học và sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo
Tiến sĩ Phạm Duy Phong nhấn mạnh, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chip bán dẫn là đầu vào của ngành Công nghiệp kỹ thuật Điện tử – Viễn thông. Ai làm chủ thị trường thiết bị Điện tử – Viễn thông thì mới thực sự làm chủ công nghiệp bán dẫn. Không có bất kỳ quốc gia nào “hóa rồng”, “hóa hổ” mà không có ngành Công nghiệp kỹ thuật Điện tử – Viễn thông phát triển.
Tất cả các quốc gia phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… thành công về ngành công nghiệp bán dẫn đều có ngành Công nghiệp Điện tử – Viễn thông phát triển.
Đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia rất có lợi thế về phát triển Công nghiệp Điện tử – Viễn thông. Thứ nhất, nước ta có vị trí địa chính trị, là trung tâm toàn cầu liên quan đến lĩnh vực Điện tử – Viễn thông và bán dẫn. Thứ hai, người dân Việt Nam có “gen” tiềm năng về khoa học công nghệ và STEM. Thứ ba, thế giới đang cơ cấu lại ngành Công nghiệp Điện tử – Viễn thông, bán dẫn theo hướng (X+1).
Trường Đại học Điện lực đã thành lập mạng lưới doanh nghiệp, mạng lưới chuyên gia Khoa Điện tử – Viễn thông, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Ảnh: NVCC.
Ngoài ra, đối với tài nguyên phục vụ phát triển ngành Công nghiệp Điện tử – Viễn thông, Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm phục vụ cho ngành Công nghiệp Điện tử – Viễn thông và bán dẫn. Nước ta cũng là một trong số ít quốc gia có nhiều năm phát triển trong lĩnh vực ngành này.
Xem thêm : Bộ GDĐT hướng dẫn khen thưởng thành tích xuất sắc trong phòng, chống bão lụt
Đáng chú ý, theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi năm trên toàn cầu, lĩnh vực thiết kế chip đem lại doanh thu khoảng 60 tỷ USD, ngành Công nghiệp bán dẫn đem lại khoảng 600 tỷ USD, còn ngành Công nghiệp kỹ thuật Điện tử – Viễn thông có doanh thu khoảng 3.000 tỷ USD, ngành Công nghiệp ICT mang về khoảng 20.000 tỷ USD. Đây là cơ hội rất lớn để ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử – Viễn thông ở các cơ sở đào tạo phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tiến sĩ Phạm Duy Phong cho hay, Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường Đại học Điện lực đã và đang hợp tác đào tạo với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn.
Hiện trường đã thành lập mạng lưới doanh nghiệp, mạng lưới chuyên gia Khoa Điện tử – Viễn thông, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn như: Viettel, FPT, Siemens, Synopsys, Cadence, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, Qorvo,…
Việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một xu thế tất yếu, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Đó cũng là xu hướng mà bất kỳ trường đại học nào hiện nay đang dần chú trọng và quan tâm đến. Mối quan hệ liên kết này được thể hiện sâu rộng ở nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành của doanh nghiệp.
Hội thảo đào tạo sau đại học của Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường Đại học Điện lực. Ảnh: NVCC.
Có thể thấy, đây chính là phương diện hiệu quả giúp nâng cao uy tín và thương hiệu của nhà trường. Vì vậy, một trong những hoạt động quan trọng nhất của việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là công tác kết nối tuyển dụng nhân lực.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể phối hợp với các chuyên gia khoa học, nhà nghiên cứu của trường trong những hoạt động hợp tác như cùng trao đổi, nghiên cứu, đặt hàng giải quyết các bài toán thực tiễn đang gặp phải, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trường Đại học Điện lực cũng như nhiều cơ sở giáo dục khác luôn nỗ lực “đồng bộ hoá” chất lượng đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp với mong muốn người học sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có thể rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quyết định nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhằm rà soát, xây dựng, ban hành và hướng dẫn đảm bảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, bao gồm:
1. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù.
2. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo.
3. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức đào tạo.
4. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về huy động, đa dạng hóa nguồn lực.
5. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
6. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu và phát triển.
7. Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp khác.
Trong đó, với nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức đào tạo, ưu tiên học bổng cho người học theo học các chương trình đào tạo tài năng, cho người học chương trình đào tạo về công nghiệp bán dẫn theo quy định của cơ sở giáo dục đại học.
Về đào tạo nhân lực trình độ đại học, cần rà soát, xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn; phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong hệ thống giáo dục đại học; phát triển các chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Về đào tạo nhân lực trình độ sau đại học, cần xây dựng và triển khai các chương trình trao đổi, hỗ trợ học bổng tham gia các chương trình đào tạo sau đại học trong và ngoài nước; tăng cường phối hợp giữa viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong việc thực hiện chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Lưu Diễm
https://giaoduc.net.vn/can-mien-giam-hoc-phi-co-hoc-bong-doi-voi-nguoi-hoc-ve-cong-nghiep-ban-dan-post245957.gd
Nguồn: https://dut.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục