Ngày 3/10 trên trang Facebook mang tên “Giáo viên Việt Nam” có đăng một ý kiến ngắn chỉ trích gay gắt bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của Tô Hà được dùng làm văn bản đọc ở bài 5, chủ điểm “Thế giới tuổi thơ” trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Trang Facebook này có rất đông thành viên, chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng ngàn người bấm like, hàng ngàn ý kiến phản hồi và hàng trăm lượt chia sẻ. Điều đó cho thấy ý kiến về bài thơ có sức tác động rất mạnh, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Trong hàng ngàn ý kiến phản hồi, 1-2 ngày đầu, số ý kiến chê bai, phê phán (tạm gọi là “ý kiến tiêu cực”) chiếm tỉ lệ áp đảo, những ý kiến ủng hộ, khẳng định giá trị của bài thơ (tạm gọi là “ý kiến tích cực”) rất ít và cũng bị phía có ý kiến tiêu cực tấn công dữ dội. Mấy ngày gần đây, sau khi mạng xã hội và báo chí đăng tải nhiều bài phân tích về giá trị nhân văn và nghệ thuật đặc sắc của bài thơ thì tương quan giữa ý kiến tiêu cực và ý kiến tích cực có sự thay đổi theo chiều hướng tỉ lệ ý kiến tích cực tăng dần lên.
Bạn đang xem: Thấy gì từ cuộc tranh luận về bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của Tô Hà?
Các ý kiến tiêu cực chủ yếu tập trung vào một số từ ngữ bị coi là lạ và khó, nhất là từ “ánh ỏi”; cách gieo vần có vẻ trúc trắc, khó đọc, khó nhớ; nội dung mơ hồ, trừu tượng. Các ý kiến này có thể xuất phát từ những lí do sau:
Một là, đọc bài thơ một cách vội vàng, chưa kịp hiểu về tác phẩm đã vội phán xét (có thể do tác động của “đám đông”).
Hai là, quan niệm về thơ cũ kĩ, nhất là thơ được dùng trong sách giáo khoa. Theo nhiều người, thơ là phải có vần điệu nghiêm ngặt, đã vần thì phải là vần chính; thơ dạy cho học sinh phải dễ đọc, dễ hiểu, nội dung phải tường minh.
Ba là, quan niệm về giáo dục còn đóng khuôn. Nhiều người chỉ muốn học sinh ngày nay học những bài thơ mà ngày xưa họ từng được học bất chấp thực tế ngày nay nhiều thứ đã thay đổi, chẳng hạn học sinh đã thích nghe loại âm nhạc khác, sở thích về trang phục, ẩm thực,… cũng có khác.
Bốn là, khả năng cảm thụ thơ còn hạn chế. Nhiều ý kiến cho thấy người tham gia trao đổi rất kém tiếng Việt, viết mấy câu ngắn mà mắc nhiều lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp, cả đời chưa gặp từ “ánh ỏi” (không phải là điều bất thường) nhưng khi gặp từ này, cũng không có thói quen tra từ điển, nhầm lẫn giữa Tô Hà với Tô Hoài, không hiểu được nội dung cơ bản của bài thơ, nhầm lẫn giữa đối tượng học sinh được học bài thơ này (học sinh bình thường) với đối tượng học sinh được nói đến trong bài (học sinh khiếm thính).
Năm là, có thể có một lí do nào đó khác “khơi mào” cho cuộc tranh luận này và lôi kéo nhiều người tham gia phản hồi theo hướng tiêu cực, có phần ác ý.
Bài học trong sách thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh chụp màn hình.
Thật may mắn và rất đáng mừng là rất nhiều ý kiến đã lên tiếng khẳng định giá trị độc đáo của bài thơ một cách kịp thời, một số người còn cung cấp cho công chúng nhiều thông tin hữu ích về Tô Hà, một nhà thơ cẩn trọng với nghề và có nhân cách.
Ngoài những ý kiến phản hồi tích cực xuất hiện rất sớm ngay trên trang Facebook nói trên, nhiều ý kiến khác đã được đăng trên trang Facebook cá nhân của các nhà thơ, nhà phê bình, nhà giáo, nhà báo như Nguyễn Thị Việt Hà, Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Phượng, Phạm Xuân Nguyên, Văn Công Hùng, Mai Thanh Hải, Đỗ Hải Phong, Nguyễn Minh Thương, Trần Lê Hoa Tranh,… Đặc biệt, nhiều chuyên gia về giáo dục tiểu học như Giáo sư Lê Phương Nga, Tiến sĩ Xuân Thị Nguyệt Hà,… và nhiều giáo viên tiểu học vừa dạy bài thơ này cũng đã lên tiếng.
Nhiều tờ báo, trang tin đã đăng bài, giúp bạn đọc hiểu hơn về một bài thơ bị “vùi dập”, trong đó có những tờ báo, trang tin quen thuộc với bạn đọc như VnExpress, Thanh niên, Tiền phong, Dân trí, Dân Việt, VOV2, trang web của Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Mới, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đời sống và Pháp luật, Tri thức và cuộc sống, Znews,… Các bài báo đã trích đăng những ý kiến từ các trang Facebook và phỏng vấn một số nhà phê bình, nhà thơ như Phạm Xuân Nguyên, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Phong Việt,… Tất cả đều khẳng định “Tiếng hạt nảy mầm” của nhà thơ Tô Hà là một bài thơ đặc sắc, nhân văn và giàu tính sáng tạo; các chuyên gia giáo dục tiểu học và giáo viên còn cho biết bài thơ này hoàn toàn phù hợp với học sinh lớp 5.
Nói chung, bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của Tô Hà đảm bảo tính nhân văn, tính giáo dục, tính thẩm mĩ, tính sư phạm. Trong khi nhấn mạnh đến tính nhân văn của bài thơ, còn cần phải thấy được việc dạy học bài thơ này còn cho học sinh có cơ hội được thưởng thức cái hay trong cách diễn đạt đặc thù của thơ, biết thêm một số từ tạm gọi là “mới”.
Trong câu “Hót nắng vàng ánh ỏi” có sự chuyển đổi cảm giác giữa nghe và thấy, dựng lên một không gian tươi sáng, ngập tràn ánh sáng và âm thanh. Từ “ánh ỏi” vừa nói đến âm thanh lảnh lói, vừa nói đến không gian đầy ánh sáng bao bọc những âm thanh ấy. Trong “ánh ỏi” vừa có “inh ỏi”, “rộn ràng”, vừa có “lấp lánh”, “lóng lánh”. “Chữ” trong thơ luôn có tính sáng tạo. Nhà thơ có thể tạo ra những từ mới hay kết hợp từ mới để biểu đạt cùng lúc vừa đặc điểm khách quan của sự vật vừa ấn tượng, cảm xúc chủ quan của mình về sự vật đó.
Với học sinh lớp 5, giáo viên chưa cần phải phân tích sâu tính sáng tạo trong cách dùng từ của nhà thơ. Nhưng việc cho học sinh làm quen với tính sáng tạo đó sẽ giúp các em hiểu thơ hơn, để lên các lớp trên, các em có thể tự phân tích được những bí quyết khiến một bài thơ tuy có nội dung bình thường, dễ hiểu nhưng lại gây được khoái thú thẩm mĩ đặc biệt cho người đọc. Để tổ chức dạy học bài thơ này, dưới văn bản đọc, sách giáo khoa thiết kế hệ thống câu hỏi dành cho giáo viên và học sinh, thể hiện yêu cầu đọc hiểu bài thơ này đối với lớp 5, cụ thể:
Xem thêm : Trường Đại học Điện lực và doanh nghiệp: Gắn kết hợp tác để vươn tới thành công
1. Ở khổ thơ thứ nhất, chi tiết nào giúp em nhận ra đây là lớp học của trẻ khiếm thính (mất khả năng nghe hoặc nghe kém)?
2. Theo em, những khó khăn, thiệt thòi của các bạn học sinh trong bài thơ là gì?
3. Cô giáo đã gợi lên trong tâm trí học trò những hình ảnh và âm thanh nào của cuộc sống?
4. Những chi tiết nào cho thấy các bạn học sinh rất chăm chú? Vì sao giờ học của cô giáo cuốn hút được các bạn?
5. Em có suy nghĩ gì về cô giáo của lớp học đặc biệt này qua 2 khổ thơ cuối?
Các câu hỏi đọc hiểu đã cho biết thông tin về sự việc được thể hiện trong bài thơ, vì vậy, không cần bổ sung vào sách giáo khoa bối cảnh sáng tác như một số người đề xuất. Nếu độc giả được nhìn thấy hệ thống câu hỏi đọc hiểu này thì chắc hẳn sẽ đồng tình với ý kiến của các chuyên gia giáo dục tiểu học và các thầy cô đang đứng lớp về tính vừa sức của bài thơ này đối với người học.
Ở trên, tôi đã cung cấp thêm một số thông tin giúp độc giả hiểu rõ hơn vì sao bài thơ này phù hợp để đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5. Tuy nhiên, bài viết của tôi không nhằm đi sâu vào vấn đề chuyên môn và câu chuyện “bếp núc” của người soạn sách mà chủ yếu muốn nêu vấn đề: Chúng ta có thể thấy được gì đằng sau cuộc tranh luận này?
1. Đổi mới chương trình và sách giáo khoa là một hành trình vô cùng khó khăn và gian truân. Viết sách giáo khoa là một công việc rất “nguy hiểm” trong bối cảnh hiện nay.
Đối với sách giáo khoa Tiếng Việt – Ngữ văn, vấn đề chủ yếu xuất phát từ ngữ liệu. Một bài thơ có nội dung nhân văn được biểu đạt bằng những từ ngữ, hình ảnh thơ đặc sắc, chọn lọc công phu của một nhà thơ có tên tuổi, đáng kính mà vẫn có thể bị chỉ trích thậm tệ thì nhiều tác phẩm văn học khác trong sách giáo khoa mới khó tránh được nguy cơ trở thành nạn nhân của mạng xã hội.
Một bộ sách giáo khoa Tiếng Việt – Ngữ văn trọn vẹn từ lớp 1 đến lớp 12 như bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” có khoảng 600 văn bản đọc (tác phẩm, đoạn trích), chưa tính đến hàng trăm văn bản được chọn làm bài viết tham khảo cho phần Thực hành viết và hàng trăm đoạn văn ngắn làm ngữ liệu cho phần Thực hành tiếng Việt.
Chỉ cần vài văn bản, thường là văn bản văn học, có ý kiến khác biệt là có thể tạo sóng dư luận. Tác phẩm càng mới (có thể mới sáng tác hoặc lâu nay công chúng ít biết đến) càng dễ gây nên những đánh giá trái chiều. Cần lưu ý, chọn được 600 văn bản có chất lượng cao đã khó, chọn được chừng ấy văn bản có chất lượng cao mà phù hợp với yêu cầu của chương trình, với hệ thống chủ điểm của bộ sách, với khả năng tiếp nhận của học sinh ở từng lớp; đáp ứng được vấn đề nhân thân tác giả, giải quyết được vấn đề bản quyền,… khó khăn nhân lên gấp bội.
Quan niệm “truyền thống” về dạy học Ngữ văn và về văn chương với một số mặt bất cập hiện vẫn còn chi phối nhận thức của nhiều người, khiến cho việc đánh giá ngữ liệu trong sách giáo khoa mới dễ có những ý kiến trái chiều. Kế thừa là một nguyên tắc nền tảng của đổi mới giáo dục, nhưng tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ để đáp ứng mục tiêu giáo dục mới cũng là nguyên tắc không thể bỏ qua.
Có thể khẳng định, trong sách giáo khoa Tiếng Việt – Ngữ văn, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, nhiều tác phẩm văn học đặc sắc từng xuất hiện trong sách giáo khoa trước đây và còn phù hợp với mục tiêu giáo dục và đối tượng học sinh ngày nay đã được tiếp tục sử dụng.
Dĩ nhiên, sách giáo khoa mới cũng cần phải dành một tỉ lệ thỏa đáng cho những tác phẩm văn học mới và cho một số văn bản thuộc loại văn bản nghị luận, văn bản thông tin vốn chưa được chú trọng trong nhà trường trước đây. Các tác phẩm văn học ngày nay được sáng tác theo nhiều phong cách đa dạng, có đặc điểm nghệ thuật mới mẻ, phong phú.
Trong sách giáo khoa có những bài thơ lục bát, song thất lục bát, thơ Đường luật,… nhưng cũng có những bài thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ, đặc biệt là thơ tự do, có đặc điểm vần, nhịp rất linh hoạt, có cách dùng từ ngữ mới lạ, phá cách,…
Đối với nhiều người, những bài thơ có vần, nhịp linh hoạt không được coi là thơ hay, thậm chí “không phải là thơ”.
Xem thêm : GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Nhà khoa học xuất sắc ươm mầm ước mơ cho thế hệ trẻ
Quan điểm về mục tiêu và nội dung dạy học Ngữ văn ngày nay cũng có những thay đổi mà nhiều người chưa sẵn lòng đón nhận.
Một trong những thay đổi đó là ngữ liệu trong sách giáo khoa phải đa dạng về thể loại, loại văn bản và nội dung; không chỉ tập trung vào những tác phẩm kinh điển mà còn sử dụng những văn bản tươi mới, nêu được những vấn đề của đời sống đương đại để học sinh có cơ hội mở rộng vốn sống, trải nghiệm, khơi gợi các em trình bày, trao đổi về những vấn đề bức thiết đang diễn ra xung quanh, qua đó bồi dưỡng tình cảm, nâng cao nhận thức và phát triển kĩ năng sử dụng tiếng Việt, giúp người học bước vào cuộc sống và tham gia vào thị trường lao động một cách thành công.
Ngay từ chương trình năm 2006 và đặc biệt là với chương trình năm 2018, môn Ngữ văn không còn chú trọng cung cấp cho học sinh kiến thức về thành tựu của văn học Việt Nam qua hàng chục thế kỉ như khi ông bà của các học sinh ngày nay còn là những cô cậu học trò.
Khó biết được trong số những người đăng phản hồi tiêu cực về bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” trên trang Facebook “Giáo viên Việt Nam” có khoảng bao nhiêu người thực sự là giáo viên, nhưng nếu có thì cũng là một vấn đề cần xem xét.
Nếu giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, thái độ tích cực đối với đổi mới giáo dục thì những lí do dẫn đến những phản hồi thái quá mà tôi nêu ở trên không còn trở thành vấn đề lớn nữa.
Tôi cũng đồng ý với ý kiến cho rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có chậm trễ so với tiến độ triển khai chương trình và sách giáo khoa, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cũng chưa đạt được như mong muốn. Đó là chưa kể điều kiện sống, làm việc của giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được cải thiện nhiều. Bên cạnh đa số giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết với đổi mới giáo dục, còn không ít giáo viên đuối sức, ngại thay đổi. Đây là một trở ngại đáng kể đối với đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Tôi cũng đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ để đảm bảo 20% ngân sách quốc gia hằng năm chi cho giáo dục được chi đủ và chi đúng địa chỉ.
2. Mạng xã hội là một công cụ truyền thông quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn đến công luận.
Những người có ý đồ xấu, có quan điểm bảo thủ, lạc hậu dễ lợi dụng mạng xã hội để tác động tiêu cực đến cộng đồng, nhưng những tư tưởng tiến bộ, thông tin tích cực cũng có cơ hội được lan tỏa nhanh, đấu tranh hiệu quả với cái xấu, bảo thủ, lạc hậu.
Qua cuộc tranh luận về bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” chắc hẳn nhiều người học hỏi được những điều hữu ích theo cách riêng của mình. Ngay cả những người vốn có phản hồi tiêu cực cũng có cơ hội nhìn nhận lại vấn đề và sẽ có ứng xử cẩn trọng, đúng đắn hơn trước những vấn đề quan trọng và nhạy cảm trong tương lai.
Chúng tôi hi vọng, công chúng hiểu rõ hơn khó khăn của những người viết sách giáo khoa, đồng cảm với họ và ủng hộ cái tiến bộ. Đổi mới giáo dục không bao giờ là dễ dàng, khó tránh khỏi những tranh cãi và xung đột, ngay cả ở những nước phát triển.
Giáo dục Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trước nhiệm vụ đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước trong khi đó đầu tư cho giáo dục còn thiếu hụt, tiêu cực trong giáo dục chưa khắc phục đáng kể. Khiếm khuyết, hạn chế, thậm chí sai sót trong biên soạn sách giáo khoa là khó tránh khỏi, nhưng không phải nghiêm trọng như một số người đang cố tình phóng đại.
Các văn bản được đưa vào sách giáo khoa là kết quả của quá trình tìm kiếm, lựa chọn rất chuyên nghiệp, công phu, tâm huyết và đầy trách nhiệm của đội ngũ tác giả; có sự biên tập tỉ mỉ, cẩn trọng của đội ngũ biên tập viên nhà xuất bản, sự góp ý của giáo viên dạy thử nghiệm, hội đồng thẩm định nội bộ của nhà xuất bản, ý kiến phản biện độc lập của các chuyên gia giáo dục, nhà nghiên cứu và cuối cùng là sự thẩm định nghiêm ngặt (nhiều khi khắc nghiệt), tận tụy của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa trước khi sách giáo khoa được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Các văn bản được đưa vào sách giáo khoa có các thể loại, loại văn bản khác nhau, đáp ứng yêu cầu của chương trình từ các phương diện khác nhau, từ các tác giả khác nhau. Tất cả đều đáng được trân trọng (hay ít nhất là không nên bị xúc phạm) và nỗ lực của tác giả sách giáo khoa cũng như những thành phần khác có liên quan đến quá trình làm sách, thẩm định sách cần được ghi nhận. Nếu có quan điểm, cách nhìn nhận khác biệt về một vấn đề nào đó thì nên trao đổi trên tinh thần thấu hiểu và có sự tôn trọng.
Cuộc tranh luận về bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của nhà thơ Tô Hà có lẽ đã đến hồi kết khi đa số người ý kiến tiếp cận đầy đủ với văn bản trong sách giáo khoa. Nhưng những vấn đề gốc rễ gây nên sóng gió cho bài thơ này thì vẫn còn đó. Tôi chia sẻ với ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hải Phong, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội viết trên trang Facebook cá nhân: “Sự vô minh của đám đông độc giả mạng chỉ tạm thời lắng xuống. Nó vẫn giơ cao nanh vuốt tiếp tục rình rập cơ hội để vùi dập những giá trị chân chính mỗi lúc ai đó “lỡ lời” chia sẻ băn khoăn với toàn cõi mạng. Mong các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, những người đọc có suy nghĩ hãy cảnh giác. Xin đừng tiếp tay cho sự vô minh theo kiểu “đẽo cày trên cõi mạng” như vậy nữa”.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng – Điều phối viên chính Ban phát triển CTGDPT 2018, Tổng Chủ biên SGK môn Tiếng Việt – Ngữ văn, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”
https://giaoduc.net.vn/thay-gi-tu-cuoc-tranh-luan-ve-bai-tho-tieng-hat-nay-mam-cua-to-ha-post246064.gd
Nguồn: https://dut.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on 08/10/2024 15:03
Usopp là ai trong One Piece? Anh ta là tay bắn tỉa mạnh nhất của…
Thành phố về đêm với ánh đèn lung linh và cuộc sống sôi động là…
Trọn bộ 50+ hình nền vũ trụ 3D, full HD cực đẹp cho điện thoại…
Tâm trạng của bạn rất tệ, bạn vừa trải qua sự thất vọng, cô đơn…
Những hình ảnh đáng yêu của những chú vịt kèm theo những dòng chữ ngắn…
Ngày nay, với sự phổ biến của mạng xã hội, meme hài đã trở thành…