Categories: Giáo Dục

Suy nghĩ về phát triển giáo dục đại học Việt Nam gắn với khoa học và công nghệ

Published by

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” – Câu nói nổi tiếng của vị Tiến sĩ triều Lê, Phụng trực Đại phu, Hàn lâm viện Thừa chỉ, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu, tại Quốc Tử Giám (1484), đã khẳng định vai trò quan trọng của “hiền tài” trong việc hưng thịnh đất nước: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, bồi đắp thêm nguyên khí.

Lời chỉ bảo của ông cha về yếu tố quan trọng nhất, về cốt lõi tinh hoa của dân tộc, vẫn còn nguyên giá trị trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước. Giáo dục đại học chính là môi trường quan trọng nhất để tạo ra “hiền tài” cho đất nước trong thời đại của khoa học và công nghệ. Bởi không có nguồn nhân lực chất lượng cao, không có “hiền tài” thì không thể phát triển đất nước.

Tác giả cùng đồng nghiệp làm việc trong phòng thí nghiệm vật lý plasma tại Đại học năng lượng quốc gia Moskva (ảnh tác giả cung cấp)

Giáo dục đại học gắn với khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao

Giáo dục đại học, khoa học và công nghệ có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Khoa học và công nghệ tạo điều kiện phát triển giáo dục đại học. Ngược lại, giáo dục đại học cung cấp nhân lực cho khoa học và công nghệ.

Trong giáo dục đại học, khoa học và công nghệ, con người là quan trọng nhất, quyết định chất lượng của cả hệ thống. Bởi hệ thống giảng viên đại học phải được gắn trực tiếp với nghiên cứu khoa học và công nghệ, với các ứng dụng và phát minh mới. Giảng viên tham gia vào các dự án khoa học công nghệ, mới có thể cập nhật, truyền tải những kiến thức mới, có ứng dụng thực tế, tới sinh viên của mình, nhất là trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về khoa học và công nghệ trên toàn cầu hiện nay. Các học viên cao học, nghiên cứu sinh còn là nguồn nhân lực bổ sung quan trọng cho hệ thống giảng viên của giáo dục đại học.

Các phòng thí nghiệm công nghệ cao, thực chất, là nơi thực hành và đào tạo cho giáo dục đại học không chỉ về kỹ thuật, công nghệ mà còn là nơi cung cấp cho sinh viên, nhân lực tương lai của các ngành công nghệ, kỹ năng làm việc quan trọng khi ra trường. Để có thể tham gia sâu vào thị trường lao động của các ngành công nghiệp công nghệ cao, không chỉ cần kiến thức về công nghệ mà cần cả các kỹ năng mới, đáp ứng đòi hỏi của công việc. Ví dụ như thiết kế các vi mạch điện tử số. Ngoài các kiến thức nền về thiết kế vi mạch số, sinh viên rất cần các kiến thức, kỹ năng làm việc nhóm trong các chương trình thiết kế mới, giúp phân chia công việc của các thành viên theo dạng module hóa, đồng thời nâng cao chất lượng công việc thiết kế, tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa các kỹ thuật trong quy trình thiết kế và thử nghiệm vi mạch.

Nếu tích hợp tốt hệ thống R&D (Research and Development), các phòng thí nghiệm trọng điểm, công nghệ cao vào hệ thống giáo dục đại học, chúng ta có thể giúp hệ thống đào tạo có cơ sở nghiên cứu và thực hành hiện đại, sử dụng chung nguồn lực về trang thiết bị và con người, tiết kiệm chi phí. Với những nhiệm vụ nghiên cứu có tính ứng dụng cao, nhân lực sau khi đào tạo mới có thể đáp ứng yêu cầu chất lượng của các ngành công nghệ cao. Khi các trung tâm nghiên cứu công nghệ và phòng thí nghiệm công nghệ cao được đặt tại các cơ sở giáo dục đại học thì không chỉ các sinh viên có điều kiện học tập, thực hành trên hệ thống nghiên cứu hiện đại, sát với thực tế, mà còn cho phép hệ thống giảng viên của chúng ta thực hiện các nghiên cứu khoa học và công nghệ, trực tiếp tham gia nghiên cứu và hướng dẫn, hợp tác với các đồng nghiệp tại các trung tâm nghiên cứu và cơ sở đào tạo khác. Tất cả luôn có điều kiện tốt để cập nhật thông tin khoa học và công nghệ, hợp tác khoa học và công nghệ, nâng tầm kiến thức và kinh nghiệm thực tế.

Nhiệm vụ của giáo dục đại học là xây dựng con người trí thức mới có trách nhiệm với đất nước. (Ảnh: USTH)

Thực tế cho thấy, các nghiên cứu viên khoa học trực tiếp tham gia đào tạo, truyền thụ kiến thức cho sinh viên có khả năng tư duy khoa học, sắp xếp kiến thức mạch lạc và logic hơn, giúp công việc nghiên cứu khoa học hiệu quả. Đồng thời quá trình này cũng giúp các nhà khoa học, giảng viên phát hiện các sinh viên xuất sắc, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao và bổ sung nguồn lực cần thiết cho đội ngũ nghiên cứu khoa học. Kết quả là chúng ta có hệ thống các nhà khoa học, nghiên cứu viên, giảng viên giỏi cả trong nghiên cứu khoa học và đào tạo. Vì vậy, phải tích hợp hệ thống R&D với hệ thống giáo dục đại học, giảm tối đa các viện nghiên cứu độc lập. Việc này giúp tối ưu không chỉ quy trình đào tạo và nghiên cứu, mà còn tiết kiệm chi phí đào tạo, chọn lựa nhân lực cho hệ thống giáo dục đại học và khoa học và công nghệ.

Giáo dục đại học cũng không thể tách rời khỏi hệ thống công nghiệp công nghệ cao. Nếu như 20-30 năm trước, khi mà tỷ lệ công nghệ trong các ngành công nghiệp sản xuất chưa cao, sự cạnh tranh về công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa gay gắt, quyết liệt, các ngành công nghiệp, có thể đứng riêng với hệ thống giáo dục đại học, thì nay, hầu như tất cả các ngành công nghiệp đã được ứng dụng sâu công nghệ, tích hợp trong chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, phải kể tới các công nghệ mới nổi, nhưng quyết định chất lượng cũng như giá trị gia tăng sản phẩm như các công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các công nghệ điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT), các công nghệ tự động hóa thế hệ mới, mạng thông minh…

Vòng đời của các công nghệ, thậm chí những công nghệ lõi, công nghệ nền đã giảm từ 10-15 năm xuống chỉ còn 3-5 năm, và còn ít hơn nữa. Vì vậy, nhiều trung tâm, phòng thí nghiệm nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ được xây dựng, tích hợp ngay trong hệ thống công nghiệp công nghệ cao, để giảm thiểu chi phí vận hành và gần hơn với ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, rút ngắn thời gian, quy trình, vòng đời của các công nghệ trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt về công nghệ và nhu cầu đổi mới từ thị trường. Trong tình hình đó, giáo dục đại học cũng phải chuyển mình, thay đổi phù hợp, thích nghi và đáp ứng đòi hỏi từ thực tế của thị trường lao động. Gắn giáo dục đại học, trong đó có chương trình, hệ thống R&D và đào tạo, thực hành, chặt hơn và gần hơn với các cơ sở công nghiệp công nghệ cao, đáp ứng đòi hỏi đổi mới công nghệ và nhân lực chất lượng cao, là mệnh lệnh từ cuộc sống.

Từ nhu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường nhân lực chất lượng cao, giáo dục đại học của nhiều quốc gia đã thay đổi theo hướng tích hợp hệ thống quản lý, điều hành giáo dục đại học với khoa học và công nghệ. Ví dụ, nước Nga đã cơ cấu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo thành Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga, Bộ Giáo dục phổ thông. Sự thay đổi hợp lý này, không chỉ giúp giáo dục đại học tích hợp với khoa học và công nghệ nói chung mà còn giảm thiểu rất nhiều khâu trung gian trong tổ chức, điều hành. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống, sử dụng chung nguồn lực về con người, trang thiết bị, cho phép hỗ trợ, bổ sung các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và giáo dục đại học trong một cơ cấu thống nhất, giúp hệ thống hoạt động nhanh hơn, nhịp nhàng hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Đây là điều mà Việt Nam nên tham khảo.

Tích hợp các phòng thí nghiệm công nghệ cao vào hệ thống giáo dục đại học sẽ giúp tiết kiệm chi phí khá lớn (ảnh tác giả cung cấp)

Đào tạo nhân lực chất lượng cao không nên đại trà

Nhân lực cho các ngành công nghệ cao phải có chất lượng cao. Nhưng nếu chất lượng cao thì hệ thống giáo dục đại học không thể đào tạo đại trà. Tất nhiên, nhân lực các ngành công nghệ cao có ở nhiều cấp độ, nhiều dạng công việc khác nhau. Trong đó, có lực lượng lao động là kỹ sư các ngành kỹ thuật và công nghệ, các nhà khoa học, và cả các nhà quản lý. Có những nhân lực là kỹ sư thực hành, trực tiếp tham gia, điều hành công việc sản xuất. Chất lượng cao thường không đồng hành với đào tạo đại trà.

Một ví dụ về cách đào tạo đại trà nhân lực chất lượng cao, là chuyển hàng ngàn nhân lực các ngành thông tin, viễn thông đã đào tạo, sang đào tạo lại về bán dẫn trong thời gian 6-12 tháng theo Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” [1]. Khó có thể có nhân lực chất lượng cao về bán dẫn trong thời gian đào tạo ngắn như thế, khi về cơ bản là phải đào tạo lại, vì các ngành này, về bản chất khác nhau.

Nhất định không thể phổ cập giáo dục đại học, mà phải phân luồng đào tạo từ phổ thông, cũng như không thể đào tạo chất lượng cao, đại trà cho các ngành công nghệ cao. Hiện nay, chúng ta cũng có quá nhiều chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư tài năng, kỹ sư chất lượng cao (PFIEV), đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo về công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao… Phải có tổng kết, đánh giá chất lượng đào tạo, hiệu quả đạt được của các dự án này, tránh hình thức và lãng phí.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao quan trọng chất lượng hơn số lượng. (Ảnh: USTH)

Cần đầu tư hơn nữa cho giáo dục đại học và khoa học công nghệ

Đầu tư vào khoa học và công nghệ cùng với giáo dục đại học là đầu tư cơ bản, mang ý nghĩa chiến lược cho phát triển của đất nước.

Theo số liệu của Bộ Tài chính [2] thì ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học của Việt Nam ở mức thấp hơn so với nhóm các nước có thu nhập từ thấp tới cao (theo tỷ trọng trên GDP và cả ngân sách nhà nước) trong khu vực và trên thế giới. Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học, giai đoạn 2013-2022, giảm từ 19.271 tỷ đồng năm 2013 xuống 10.429 tỷ đồng năm 2022. Theo tỷ trọng trên GDP, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học giảm từ 0,43% năm 2013 xuống 0,11% năm 2022.

Theo tỷ trọng trên tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo, phần kinh phí ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học giảm từ 9,3% năm 2013 xuống còn 3,4% năm 2022. Số liệu của Tổng Cục thống kê cũng cho biết, tổng chi tất cả cơ sở giáo dục đại học năm 2020 là 47,8 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 0,6% GDP. So với mức trung bình các nước OECD, EU và một số nước trong khu vực, tỷ trọng tổng chi giáo dục đại học trên GDP của Việt Nam nhỏ hơn 2 – 3 lần.

Về khoa học và công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (GERD) của Việt Nam, năm 2023, chỉ chiếm 0,43% GDP. So với 4,91% của Hàn Quốc, 3,3% của Nhật Bản, 3,96% của Đài Loan, 2,43% của Trung Quốc, 0,95% của Malaysia và 0,65% của Ấn Độ.

Những số liệu thống kê này thật sự đáng lo ngại đòi hỏi phải sớm có những thay đổi về đầu tư cho giáo dục đại học và khoa học công nghệ. Mặt khác, các dự án đầu tư cho khoa học công nghệ và giáo dục đại học từ nhiều năm nay cần phải được đánh giá lại một cách tổng quát, lưu ý đặc biệt tới tiêu chí hiệu quả sử dụng trang thiết bị, con người, bộ máy tổ chức quản lý. Đánh giá toàn diện và tìm ra những nguyên nhân, kể cả thất bại và thành công, đặc biệt là các dự án đầu tư công, dùng ngân sách nhà nước, rút kinh nghiệm, để đầu tư hiệu quả hơn trong điều kiện hạn hẹp về ngân sách.

Để đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn ngoài giáo trình, tài liệu tiêu chuẩn còn cần phải có các hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại. (Ảnh: UIT)

Xây dựng con người trí thức yêu nước, có tư duy mở và phương pháp luận khoa học

Một đất nước với khoảng 70% dân số còn gắn với nông nghiệp như Việt Nam, có ảnh hưởng chủ đạo của văn hóa lúa nước từ ngàn đời nay, chắc chắn con đường phát triển khoa học và công nghệ cũng như giáo dục đại học sẽ khác với các nước khác, nhất là các nước phát triển, có nền công nghiệp tiên tiến. Vì vậy, phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đại học phải tiến hành phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, mới có thể hiệu quả và thành công.

Muốn làm điện hạt nhân, muốn làm công nghiệp bán dẫn, đường sắt cao tốc Bắc – Nam, hay chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… đều cần phải có con người trí thức yêu nước, có chuyên môn sâu, tác phong công nghiệp, kỷ luật và tư duy khoa học mở. Điều này không bỗng dưng có mà phải được trui rèn từ sớm, cần nhiều công sức, thời gian, từ trong gia đình, xã hội, trong môi trường giáo dục, nhất là giáo dục đại học.

Giáo dục đại học phải đặt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng con người trí thức mới, yêu nước, thương dân, có trách nhiệm với đất nước, dân tộc, có lòng tự trọng. Con người trí thức mới, có tư duy mở và phương pháp luận khoa học, giỏi chuyên môn, yêu nước, mới có thể gánh vác trọng trách, đưa đất nước tiến lên. Để xây dựng con người trí thức mới, đội ngũ trí thức mới, giáo dục đại học cần phải có môi trường lành mạnh, với đội ngũ lãnh đạo quản lý thật sự là những trí thức tâm huyết, có trình độ, dám gạt bỏ mọi lợi ích cá nhân, vì sự nghiệp chung của đất nước.

Để đào tạo được con người trí thức mới thì giáo dục đại học và khoa học và công nghệ phải là môi trường học thuật và nghiên cứu mở, có tự do học thuật và sáng tạo, có cơ chế vận hành khoa học, có thể tiếp thu phản biện và tự sửa chữa, thích nghi và tự hoàn thiện, tôn trọng ý kiến nhiều chiều, miễn là tích cực, có lợi cho sự nghiệp chung, cho đất nước. Hệ thống giáo dục đại học và khoa học và công nghệ của các quốc gia phát triển đều như vậy, chúng ta cũng không ngoại lệ.

Cần tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học cũng như khoa học và công nghệ. (Ảnh: USTH)

Cần hợp tác quốc tế sâu rộng

Hợp tác quốc tế không chỉ nâng tầm mà còn đảm bảo cho thành công của giáo dục đại học cũng như khoa học và công nghệ. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, hợp tác quốc tế về giáo dục đại học và khoa học và công nghệ càng quan trọng đối với chúng ta. Hợp tác quốc tế không chỉ mang lại những kinh nghiệm quý báu, tạo nguồn lực lớn cho kinh tế phát triển mà còn mở ra thị trường cạnh tranh sòng phẳng về công nghệ và nhân lực chất lượng cao. Sự liên kết, hợp tác giữa các trường, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học và công nghệ, các khu công nghiệp công nghệ cao với các đối tác quốc tế, không những giúp hệ thống giáo dục đại học của chúng ta thích nghi, tiến bộ, đổi mới mà còn mở ra cơ hội cho phép tích hợp sâu vào nền kinh tế tri thức toàn cầu, giúp đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Hợp tác quốc tế sâu rộng cho phép nhân lực của hệ thống giáo dục đại học và khoa học và công nghệ đáp ứng thị trường lao động trong nước và quốc tế, cho phép lao động trí thức của chúng ta hội nhập sâu vào hệ thống khoa học và công nghệ của các nước để học hỏi và thực hành, trau dồi kiến thức, rất cần cho phát triển đất nước. Nếu không có hợp tác quốc tế sâu rộng, không thể có đội ngũ chuyên gia cao cấp, nhà khoa học giỏi để đảm đương các nhiệm vụ khoa học và công nghệ mũi nhọn mà Việt Nam cần, trong khi hệ thống đào tạo của chúng ta còn nhiều hạn chế.

Hợp tác quốc tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giúp chúng ta nâng cao chất lượng của hệ thống đào tạo, thu hút chất xám, đồng thời sử dụng tốt hơn nguồn lực hiện có của cả hệ thống.

Tăng cường hợp tác quốc tế là cơ hội để đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ.

Khiêm tốn, cầu thị, quyết tâm mới mong thành công

Cách làm giáo dục đại học và khoa học công nghệ từ nhiều năm nay chắc chắn cần đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả hơn. Không nên hình thức, mà phải quan tâm chủ yếu tới chất lượng đào tạo, không chạy theo số lượng, theo lợi nhuận. Cũng không nên cho rằng chúng ta có quá nhiều lợi thế trong giáo dục đại học cũng như khoa học và công nghệ. Như thế là không đúng với tình hình thực tế.

Con người là yếu tố quan trọng nhất của hệ thống. Phải có cơ chế hữu hiệu ngăn chặn kẻ xấu, kẻ cơ hội, thậm chí loại bỏ những yếu tố này ra khỏi hệ thống giáo dục đại học cũng như khoa học và công nghệ. Đồng thời khuyến khích, bảo vệ những người tốt, có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước, mới có thể làm cuộc “cách mạng” trong giáo dục đại học và khoa học và công nghệ, đưa đất nước tiến lên.

Không nên nghĩ chúng ta đang chảy máu chất xám, nguồn lực khoa học và công nghệ cho thế giới, mà nên nghĩ theo hướng chúng ta phải hợp tác sâu rộng để học hỏi thế giới, để Việt Nam có thể phát triển cùng thế giới. Phải có chính sách đột phá để thu hút “hiền tài” tới Việt Nam sống và làm việc, cống hiến cho Việt Nam. Việc thu hút không chỉ người gốc Việt Nam, mà cả người nước ngoài, miễn là giỏi và yêu mến Việt Nam để trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển của Việt Nam.

Giáo dục đại học và khoa học và công nghệ có mối liên quan chặt chẽ với nhau. (Ảnh: UIT)

Để làm được điều này, chúng ta phải có chính sách thực sự thông thoáng và hiệu quả để thu hút “hiền tài” từ khắp nơi trên thế giới tới Việt Nam sống và làm việc. Nhưng trước hết, chúng ta phải cầu thị, quyết tâm thay đổi tư duy, cách làm giáo dục đại học cũng như khoa học và công nghệ hiện nay.

Phải mong muốn, quyết tâm để có thể đi cùng với thế giới, không để ai phải bỏ lại phía sau, trước hết là bản thân mình đã mới mong tiến bộ. Phải khiêm tốn, cầu thị, cầu thị hơn nữa, cầu thị mãi, mới mong thu hút và đào tạo được “hiền tài”. Từ đó, đưa đất nước phát triển bền vững, tiến lên bằng tri thức, bằng khoa học và công nghệ, đi lên bằng đôi chân của mình, mới có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=211239

[2] Dự thảo đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2035 và định hướng tới 2045”, Bộ GDĐT. 2024.

GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ

https://giaoduc.net.vn/suy-nghi-ve-phat-trien-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-gan-voi-khoa-hoc-va-cong-nghe-post247096.gd

This post was last modified on 19/11/2024 07:04

Lê Hồng Phong

truonglehongphong.edu.vn là website chuyên về blog, tin tức, tại đây tổng hợp các thông tin hay mỗi ngày, cũng như những tin tức mới nhất, hay những thông tin, kinh nghiệm hay nhất

Published by

Bài đăng mới nhất

77+ Hình Vẽ Songoku Bằng Bút Chì Đẹp, Cute Ngầu Nhất

77+ Bản vẽ bút chì đẹp và thú vị nhất của Songoku, Xem Cách vẽ…

4 giây ago

Không tuyển vượt quá 20% chỉ tiêu: Trường đại học tháo gỡ được nỗi lo lâu nay

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến ​​về dự thảo thông tư…

5 phút ago

[Sưu tầm] Ảnh phi hành gia chill cute làm hình nền điện thoại, máy tính

Tổng hợp những hình ảnh phi hành gia chill dễ thương và độc đáo để…

11 phút ago

99+ Ảnh FF Đẹp, Cute Nhất, Hình Nền 3D, 4K Siêu Ngầu

99+ Ảnh FF đẹp nhất, Tải hình nền 3D, 4K cực chất. Chia sẻ Hình…

15 phút ago

Một Trưởng khoa Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên là ứng viên PGS ngành Văn hoá

Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách 615 ứng viên nhận…

19 phút ago

Bé 5 tuổi ở Hải Dương nhập viện gấp vì sự cố vùng kín, bố mẹ thừa nhận mắc sai lầm này khi chăm con

bệnh hẹp bao quy đầu Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhưng nhiều…

21 phút ago