Tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI có nội dung: “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách Nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề Nhà nước cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng”.
Qua đó, thể hiện được sự quan tâm của Chính phủ về việc hỗ trợ sinh viên theo đuổi ước mơ học tập, không để người trẻ nào mất cơ hội học đại học vì lý do tài chính.
Bạn đang xem: Học phí tăng, có trường tăng 37%, mức cho vay với SV “đứng im” là bất hợp lý
Về vấn đề này, đại diện của một số trường đại học đã đưa ra đề xuất để chỉnh sửa, mở rộng các chính sách vay tín dụng sinh viên.
Nên trao quyền vay vốn cho tất cả sinh viên, để sinh viên làm chủ thể vay và trả
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Hiện tại, đối tượng vay tín dụng ở Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ có hộ nghèo và hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống với nông thôn và 2 triệu đồng trở xuống ở khu vực thành thị.
Bên cạnh đó, gia đình phải thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
Điều này khiến rất nhiều sinh viên dù điều kiện kinh tế cũng rất khó khăn, song vì không thuộc diện này, nên không tiếp cận được với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội”.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.
Theo thầy Toàn, nên mở rộng đối tượng vay vốn cho tất cả sinh viên như một số mô hình ở nước ngoài.
“Khi bất kì ai cũng có quyền vay vốn, những yếu tố bất công bằng trong xã hội sẽ được xóa nhòa.
Khi sinh viên được vay vốn đi học, các em sẽ có xuất phát điểm tốt hơn, cơ hội kiếm được việc làm cao hơn với thu nhập tốt hơn. Từ đó, có cơ hội mua được nhà cao hơn, Nhà nước không cần đầu tư nhiều vào nhà ở xã hội nữa” – thầy Toàn lý giải.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Đông, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ Sinh viên, Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên) cũng chia sẻ: “Tôi cho rằng, những sinh viên khó khăn nhất chính là những người gia đình có thu nhập chỉ “nhỉnh” hơn hộ nghèo một chút. Bởi vì, gia đình hộ nghèo, cận nghèo đã có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, gia đình vùng cao, dân tộc thiểu số còn được miễn giảm học phí, nhưng các bạn “tiệm cận” hộ nghèo phải “tự lực cánh sinh”.
Ở Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên), có nhiều hoàn cảnh như vậy. Các em rất thương bố mẹ, phải vừa đi học, vừa đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Học phí cao, thời gian học dài là một thách thức lớn đối với các em.
Trong đó, có những sinh viên muốn tự lập, không phụ thuộc kinh tế vào gia đình, nhưng lại không thể vay vốn do không thuộc đối tượng được cho vay”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Đông (đứng giữa) đón tiếp sinh viên Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên) nhập học. Ảnh: NVCC.
Thầy Đông cũng cho rằng, nên cho tất cả sinh viên vay tín dụng, nhưng từng đối tượng sinh viên sẽ có mức lãi suất khác nhau. Các em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số được miễn lãi suất, còn sinh viên có điều kiện gia đình tốt hơn sẽ hưởng mức lãi suất ưu đãi. Như vậy, sinh viên bớt đi gánh nặng học phí, toàn tâm toàn ý học hành và không phải lo lắng về tìm việc làm thêm.
Xem thêm : Hơn 85.000 bài dự thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị – Sinh viên, Trường Đại học Mỏ – Địa chất cũng đồng ý với quan điểm này. Thầy Thành còn cho rằng, việc quy định gia đình đứng ra bảo lãnh cho sinh viên vay tiền như hiện nay là không hợp lý.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên: Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị – Sinh viên, Trường Đại học Mỏ – Địa chất. Ảnh: Website trường.
Thầy Thành cũng cho biết thêm: “Có những gia đình, chỉ vì bố mẹ không tạo điều kiện cho con đi học đại học, mà muốn con đi xuất khẩu lao động, đi làm công nhân… thì chính các em sẽ không thể tự đứng ra vay. Như vậy, sẽ cản trở ước mơ được học tập của các em.
Nếu người học được phép là chủ thể vay tiền, người học có nhu cầu học tập được vay trực tiếp từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Sinh viên là chủ thể thụ hưởng thì sinh viên nên là đối tượng nhận trách nhiệm trả nợ”.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành cho rằng, để quản lý việc sinh viên trả nợ đúng hạn, có thể áp dụng theo mô hình của Mỹ: “Khi đăng kí xin vay tín dụng, người học phải lưu lại số an ninh xã hội; nhờ số an ninh xã hội, ngân hàng có thể tiếp cận với các thông tin cá nhân, nhân thân, giấy tờ khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Vậy nên, chuyện người học vay tiền mà không trả là khó có thể xảy ra.
Tại Việt Nam, hiện nay, cũng đã có số định danh cá nhân – là một hình thức tương tự số an ninh xã hội của Mỹ để quản lý công dân, do đó, đủ cơ sở để “trói buộc” sinh viên thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền vay”.
Số tiền vay tối đa 4 triệu đồng/tháng không còn phù hợp
Theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên: Sinh viên gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo quy định Nghị định số 07/2021/NĐ-CP sẽ được vay vốn tối đa 4 triệu đồng/tháng mỗi học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, theo đại diện các trường đại học, con số 4 triệu đồng/tháng này đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Đông cho biết: “Trung bình học phí của các ngành Y khoa lên tới 45-50 triệu đồng/năm, tương đương 4-5 triệu đồng/tháng. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tiền thuê nhà, các chi phí sinh hoạt, ăn ở khác cũng phải mất 3-4 triệu đồng/tháng. Do đó, con số 4 triệu đồng chưa thể đáp ứng được mức sống tối thiểu”.
Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Xuân Thành bày tỏ: “Đối với vấn đề học phí, Trường Đại học Mỏ – Địa chất và các cơ sở giáo dục đại học toàn quốc đều đang thực hiện theo Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Sau khi tự chủ tài chính, học phí trong 2 năm vừa qua tăng đáng kể, có cơ sở giáo dục tăng đến 37%. Trong khi đó, số tiền hỗ trợ chi phí học tập chưa có điều chỉnh nhiều, chưa bám sát với thực tế học phí mà sinh viên phải đóng”.
Sinh viên Trường Đại học Mỏ – Địa chất làm thủ tục nhập học. Ảnh: Website trường.
Thầy Thành cũng chỉ ra: “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay, chưa phân tách rõ ràng giữa các trường tự chủ và chưa tự chủ. Học phí của một trường đã tự chủ tài chính hiện nay gấp 3 lần so với một trường chưa tự chủ tài chính. Do vậy, mức hỗ trợ theo hướng “cào bằng” là không hợp lý.
Bất cập thứ 2 là sinh viên học tập theo tín chỉ, nhưng số tiền hỗ trợ hàng tháng lại cố định. Điều này gây khó khăn cho những người học tập tốt, muốn học vượt, học nhanh hơn tiến trình.
Xem thêm : Quận Hoàn Kiếm khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu
Khi đã đào tạo theo tín chỉ, Nghị định 97/2023/NĐ-CP cũng cần có thêm thông tư hướng dẫn “thả lỏng” miễn, giảm học phí theo tín chỉ sinh viên đăng kí, sinh viên đăng kí bao nhiêu được miễn giảm bấy nhiêu. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học và bộ chủ quản phải phối hợp nhịp nhàng với nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho người học”.
Một vấn đề khác cũng khiến đại diện các trường đại học băn khoăn, chính là thời gian trả nợ lần đầu quá gấp và lãi suất ngân hàng còn cao.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Toàn, Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội: Lãi suất cho vay học sinh, sinh viên là 6,6%/năm (0,55%/tháng). Đây là mức lãi suất là tương đối cao, kể cả so với một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Philippines.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên: Có quy định về trả nợ gốc và lãi tiền vay như sau: “Kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên…”.
“Ngay khi mới ra trường, với mức lương cơ bản hiện nay, tiền lương có khi chỉ cao hơn tiền trả nợ một chút, mà còn phải chi phí sinh hoạt, trang trải cuộc sống…, các em phải làm thế nào? Nếu đòi hỏi trả tiền vốn ngay sau một năm tốt nghiệp, tôi cho rằng rất khó. Chính vì vậy, tôi đề xuất nên giãn thời gian trả vốn vay, ít nhất là bằng thời gian học tập” – thầy Toàn đề cập.
Nên hỗ trợ sinh viên một số nhóm ngành đặc biệt
Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: “Tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế nhằm tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế; chú trọng các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kĩ thuật, công nghệ và các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bán dẫn”.
Tuy nhiên, theo thực tế các cơ sở giáo dục đại học, một số nhóm ngành kĩ thuật đặc thù và STEM còn gặp khó khăn trong thu hút sinh viên, đặc biệt là sinh viên nữ. Do chưa có chính sách ưu đãi về vay vốn, các trường đại học phải vận dụng nhiều giải pháp để cải thiện tình hình.
Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa 2024 của Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Website trường.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Toàn bày tỏ, tại Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), có thời điểm, số lượng sinh viên nữ chỉ chiếm 5%, nhà trường phải tuyển sinh thêm các tổ hợp khoa học xã hội, tổ chức tư vấn hướng nghiệp để các bạn nữ hiểu rằng không chỉ con trai mới theo học công nghệ STEM.
Về phía Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành cũng chia sẻ: “Trường Đại học Mỏ – Địa chất là một trường đặc thù, đào tạo khoa học Trái đất và Khoa học Mỏ – đây là những ngành khó thu hút sinh viên. May mắn, chúng tôi được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam hợp tác đào tạo, chi trả chi phí học tập cho sinh viên và tuyển dụng sinh viên về công tác tại Tập đoàn sau khi tốt nghiệp”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Đông, nhóm ngành Y dược có một số đặc thù là thời gian học tập khá dài, học phí ngày càng cao sau khi các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tài chính, sinh viên ngành y lại cần trải qua thời gian tập sự sau khi ra trường, không thể đi làm ngay như các ngành học khác. Do đó, thầy Đông đề xuất nên có chính sách riêng dành cho sinh viên ngành Y dược.
“Theo quan điểm của tôi, tất cả các nghề đều có cống hiến cho xã hội, nhưng cũng nên có chương trình vay vốn dành riêng cho sinh viên Y dược. Nếu chưa thể miễn giảm học phí, nên tăng lượng vay tối thiểu lên 7-8 triệu đồng/tháng để các bạn đảm bảo điều kiện cuộc sống trong quá trình học. Đồng thời, lãi suất vay bằng 0% và chỉ tính lãi suất sau khi ra trường.
Tôi tin rằng, khả năng nợ xấu đối với sinh viên khối ngành Y dược là rất nhỏ” – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ Sinh viên, Trường Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên) bày tỏ.
Tại Khoản 14, Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã quy định đối tượng miễn học phí gồm: “Học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước”.
Trần Trang
https://giaoduc.net.vn/hoc-phi-tang-co-truong-tang-37-muc-cho-vay-voi-sv-dung-im-la-bat-hop-ly-post245456.gd
Nguồn: https://dut.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on 12/09/2024 09:08
Thơ Xuân Diệu về tình yêu luôn chứa đựng những câu từ đẹp nhất. Đôi…
Lễ khai mạc kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2023-2024.…
Khám phá không gian lạ của cây xanh, tạo điểm check-in độc đáo cho bạn.…
Thời gian gần đây, các đại lý tại Việt Nam đã nhiều lần điều chỉnh…
Cung hoàng đạo Bảo Bình dễ thương xuất hiện qua những tác phẩm nghệ thuật…
Trong 2 ngày 23 - 24/11, hội thảo quốc tế “Hạnh phúc trong giáo dục”…