Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xin ý kiến các địa phương về dự thảo quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Theo đó, Bộ đề xuất với kỳ thi vào lớp 10 tại các tỉnh thành sẽ thi 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kết quả bốc thăm sẽ được Sở công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Bạn đang xem: Bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ 3 vào 10: Bỏ tư tưởng môn chính, môn phụ?
Ngay khi nội dung này được đưa ra đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều khi môn thi vào 10 lại phụ thuộc vào phương thức bốc thăm may rủi.
Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều bày tỏ ý kiến trước đề xuất này.
Trên các diễn đàn mạng xã hội đang bàn luận sôi nổi về sự đổi mới này. Ảnh chụp màn hình
Trong group học sinh Hà Nội, có hơn 17 nghìn tài khoản đã tham gia bình chọn, đánh giá về nội dung đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, có đến 55% tài khoản mong muốn kỳ thi vào 10 diễn ra với 3 môn cố định là Toán, Văn, Ngoại ngữ và chỉ 21% đồng ý với đề xuất của Bộ là lựa chọn môn thi thứ 3 theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên.
Trong một hội nhóm khác, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ 3 như đề xuất của Bộ sẽ tạo thêm áp lực cho học sinh. Theo đó, cần thống nhất môn thi từ ban đầu để học sinh tập trung học tập và ôn luyện tốt hơn, tránh tình trạng gần đến ngày thi vẫn còn có học sinh “cuống cuồng” tìm lớp ôn luyện.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Nguyễn Yến Trang – hiện đang là học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, bản thân đang cảm thấy khá lo lắng trước thông tin về dự thảo quy chế thi tuyển lớp 10.
Theo Trang chia sẻ, năm nay khóa học sinh của em là khóa đầu tiên thi vào lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên tất cả mọi thứ đều sẽ mới lạ, nội dung ôn tập đều dựa theo chương trình học tập trên lớp chứ không có tài liệu tham khảo từ các kỳ thi trước.
Dựa theo tình hình của 3 năm qua tại thành phố Hà Nội đều thi 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh nên hầu hết học sinh cũng đã quen và chuẩn bị sẵn tâm lý, lên dây cót ôn tập đối với 3 môn học này.
Do đó, Trang cho rằng việc bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ 3 đối với học sinh không phải là điều kiện thuận lợi mà còn đang tạo thêm áp lực, thêm gánh nặng tâm lý mới cho các em khi phải thấp thỏm, lo lắng vì chưa biết môn thi còn lại sẽ là môn học nào.
“Ngay từ đầu năm học, em đã rốt ráo chuẩn bị, lên tinh thần và tập trung cao độ cho việc học tập, ôn luyện tốt phục vụ cho kỳ thi. Tuy nhiên, cho đến hiện tại thì em vẫn cảm thấy khá bất an vì chưa biết rõ quy chế thi vào 10 sẽ được thống nhất như thế nào.
Nếu môn thi thứ 3 được lựa chọn là môn Tiếng Anh thì không có gì đáng lo ngại vì hầu hết học sinh chúng em đã chuẩn bị sẵn tinh thần thi 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh từ trước đó rồi.
Tuy nhiên, nếu Sở bốc thăm ngẫu nhiên vào các môn tích hợp thì sẽ là một vấn đề đáng lo vì môn tích hợp bao gồm 2 đến 3 phân môn khác nhau. Chưa kể đến độ khó của mỗi phân môn cũng có sự chênh lệch và trình độ, năng lực của học sinh không phải ai cũng học tốt tất cả.
Hơn hết, nếu thời gian công bố môn thi thứ 3 diễn ra vào tháng 3 thì chúng em sẽ chỉ còn khoảng hơn 3 tháng ôn luyện.
Bởi vậy, nếu rơi vào các môn thi tích hợp thì sẽ rất khó cho học sinh trong việc ôn tập và có đủ sự chuẩn bị đầy đủ để thực hiện kỳ thi một cách tốt nhất”, Yến Trang chia sẻ.
Thôi thúc học sinh phải học đều các môn
Trước những thắc mắc, trăn trở của dư luận, cô Nguyễn Ngọc Hân – Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, trong các văn bản của ngành giáo dục hiện nay, không có quy định môn học nào là môn học chính hay môn học phụ.
Mặt khác, cần quan tâm hơn đến mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển phẩm chất, năng lực người học. Đây là mục tiêu hết sức cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Trên thực tế, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được áp dụng tại các Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trong suốt 3 năm qua. Do đó, học sinh đã được làm quen với hình thức học tập và thi cử mới.
Xem thêm : Nữ thủ khoa và nỗ lưc giành học bổng tích hợp TS, ThS từ khi chưa tốt nghiệp ĐH
Định hướng giáo dục của các trường hiện nay cũng đều thực hiện theo mục tiêu chương trình mới, giáo dục toàn diện và đồng bộ, coi trọng tất cả các môn học đều như nhau, tránh tình trạng học tủ học lệch hay phân biệt môn chính, môn phụ.
Vậy nên, việc bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ 3 đối với kỳ thi vào 10 theo cô Hân là điều không đáng lo ngại.
Cô Nguyễn Ngọc Hân – Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC
Cô Hân cho biết, để đưa ra đề xuất này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự đánh giá, xem xét và căn cứ vào tình hình thực tế. Lựa chọn thời điểm công bố môn thi thứ 3 trước ngày 31/3 hàng năm cũng là một thời điểm hợp lý khi thời gian này chương trình học tập trên lớp của học sinh cũng đã gần hoàn thiện, nên thời gian học tập mà người học dành cho các môn học sẽ là như nhau.
Mặt khác, nếu công bố môn thi thứ 3 sớm hơn thì học sinh sẽ lại tập trung vào những môn học phục vụ cho kỳ thi mà lơ là, coi thường những môn còn lại. Điều này sẽ đi ngược lại với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cùng bàn về vấn đề này, cô Tô Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho rằng, từ trước đến nay việc thi cử luôn được nhắc đến với những môn thi cố định. Điều này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học lệch, phụ huynh và học sinh có tâm lý coi trọng những môn học được đưa vào các kỳ thi và coi nhẹ những môn học còn lại.
Ghi nhận từ thực tế nhiều năm học vừa qua, cô Hải Yến cho hay, hầu hết học sinh chỉ chú trọng ôn tập 3 môn học là Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh. Thậm chí các phụ huynh cũng mặc định cho rằng đây là những môn học chính, chủ đạo và quan trọng nhất trong chương trình giáo dục phổ thông.
Do vậy, nếu như bây giờ học sinh chỉ được biết trước 2 môn thi và môn thi thứ 3 sẽ phụ thuộc vào việc bốc thăm ngẫu nhiên trong số tất cả các môn học còn lại thì có thể thấy rằng, mọi môn học đều có giá trị, vai trò như nhau.
Phương án này buộc học sinh phải học tập nghiêm túc các môn học trên lớp, tránh tình trạng học tủ, học lệch, học chống đối với các môn thi trước đây không được sử dụng trong các kỳ thi.
Trước nỗi băn khoăn của nhiều phụ huynh, học sinh về thời điểm thông báo môn thi thứ 3 do Sở Giáo dục và Đào tạo công bố trước ngày 31/3 thì liệu có kịp để học sinh ôn tập hay không, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Giảng Võ cho rằng đây là một thời điểm phù hợp và sẽ không khó khăn nếu học sinh có nhận thức và sự chuẩn bị nghiêm túc ngay từ đầu.
Bởi, khi tất cả các trường đều sẵn sàng trong tâm thế chủ động đào tạo học sinh học đều tất cả các môn thì việc công bố môn thi còn lại sớm hay muộn không phải điều đáng quan tâm và lo ngại.
“Học tập là một quá trình dài và học để thêm kiến thức chứ không phải để phục vụ cho một kỳ thi nào đó.
Trước đây, chúng ta thường quan niệm, đánh giá một học sinh có năng lực khá, giỏi qua điểm số ở các kỳ thi cuối kỳ, và chỉ đặc biệt quan tâm đến 3 môn học là Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh.
Đây là một quan niệm, tư duy cũ đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều người trong suốt bao năm qua. Do đó, trước việc Bộ đề xuất lựa chọn môn thi thứ 3 với hình thức bốc thăm ngẫu nhiên, dư luận phản ứng cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận và đánh giá đúng vấn đề, đó là Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được phổ biến tại các trường trong 3 năm vừa qua chứ không phải là sự điều chỉnh mới đây. Nên hầu hết mọi học sinh đều đã được tiếp xúc và làm quen với chương trình giáo dục phổ thông mới trong khoảng thời gian đủ lâu.
Đối với Trường Trung học cơ sở Giảng Võ, sau khi nhận được những thông tin về sự thay đổi trong Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông năm 2025, đặc biệt là việc lựa chọn môn thi thứ 3 đối với kỳ thi vào 10, nhà trường đã có kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng thích nghi và tạo điều kiện để học sinh thực hiện kỳ thi một cách tốt nhất.
Theo đó, Ban giám hiệu nhà trường đã gửi thông tin đến toàn thể thành viên hội đồng giáo dục, toàn thể phụ huynh học sinh, toàn bộ học sinh khối 9 để tất cả những đối tượng liên quan đến kỳ thi đều nắm được chủ trương, tránh tình trạng hoang mang về sự điều chỉnh, thay đổi mới này.
Thứ hai, nhà trường đã lên một kế hoạch chuyên môn, chuyên sâu để các thầy cô giáo xác định được hướng dạy học sinh sao cho hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi vào 10.
Ví dụ đối với 5 môn thi dự kiến sẽ được lựa chọn 1 môn làm môn thi thứ 3, nhà trường dự kiến triển khai, xây dựng 1 ngân hàng đề ôn tập cho học sinh.
Theo đó, trường sẽ tiến hành tổ chức kiểm tra chung toàn trường đối với 5 môn học đó (trước đây chỉ áp dụng với 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).
Việc tổ chức kiểm tra chung với tất cả các môn học sẽ giúp học sinh được ôn luyện toàn diện, làm quen với đề thi gần nhất theo mô phỏng đề thi chính thức.
Xem thêm : GS Nguyễn Xuân Hùng xin thôi tham gia HĐGS ngành cơ học theo nguyện vọng cá nhân
Với phương pháp này, từ bây giờ cho đến thời điểm môn thi thứ 3 được công bố, học sinh đều đã được làm quen và không còn lúng túng, bỡ ngỡ khi kỳ thi diễn ra chính thức”, cô Tô Thị Hải Yến chia sẻ.
Ảnh minh. Ảnh: Đào Hiền
Đề xuất góp ý để kỳ thi diễn ra thuận lợi và hiệu quả
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre cho biết, thực hiện theo Công văn số 5718/BGDĐT – GDTrH ngày 26/9/2024 về việc góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh Trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre đã có Công văn gửi về các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở, các phòng Thanh tra Sở để lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung cho quy chế.
Theo đó, Sở ghi nhận 133 Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tham gia góp ý. Trong đó có đến 70/133 ý kiến không đồng ý với nội dung môn thi thứ 3 sẽ phụ thuộc vào Sở Giáo dục và Đào tạo bốc thăm ngẫu nhiên.
Vị này cho biết thêm, phần lớn các đơn vị được xin ý kiến đóng góp đều cho rằng việc bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ 3 sẽ vô tình tạo thêm áp lực cho học sinh và phụ huynh.
Theo đó, sau quá trình tổng hợp các ý kiến đóng góp, ban lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre đã có văn bản gửi đến Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo để đề nghị điều chỉnh nội dung quy định về thi tuyển.
Cụ thể, Sở đề xuất và kiến nghị việc quyết định môn thi thứ 3 vẫn nên giao quyền lựa chọn cho các Sở Giáo dục và Đào tạo để phù hợp với tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương.
Tuy nhiên, việc quyết định môn thi phải dựa trên sự đánh giá thực tế chứ không phải được quyết định theo phương thức bốc thăm may rủi.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung để kỳ thi diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
Thứ nhất, Sở đề nghị Bộ cho phép địa phương chọn hình thức là “Xét tuyển” hoặc “Thi tuyển” để phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương.
Thứ hai, bổ sung các thành phần của Hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.
Trên thực tế, vì số lượng lãnh đạo phòng chuyên môn Sở, phòng tổ chức thi của Sở còn ít, có nhiều công việc cơ quan nên không đủ số lượng để điều động làm nhiệm vụ, có trường hợp Hội đồng coi thi phải mượn thêm các Trường Trung học cơ sở lân cận để tổ chức thi nên cần lãnh đạo Trường Trung học cơ sở làm Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi phụ trách cơ sở vật chất để thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ.
Mặt khác, do các tỉnh đang thực hiện kinh phí kỳ thi theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân nên có cách gọi khác nhau về cán bộ làm công tác thi. Ví dụ cán bộ coi thi trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nhưng trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 lại là giám thị.
Tương tự với cán bộ chấm thi có lúc gọi là giám khảo, giám thị 3 có khi lại gọi là giám sát…
Do đó, Sở mong muốn quy chế có thêm điều khoản quy đổi các chức danh trong công tác thi nhằm hỗ trợ pháp lý cho các tỉnh khi trình kinh phí tổ chức thi.
Thứ ba, đề nghị, điều chỉnh nội dung thành lập Hội đồng coi thi do Giám đốc Sở ban hành chỉ có chức danh giám thị “ủy quyền cho Chủ tịch Hội đồng coi thi phân công nhiệm vụ Giám sát” để phù hợp với tình hình thực tế tại địa điểm coi thi do việc bố trí phòng thi ở các dãy khác nhau, các tầng khác nhau nên số giám thị 3 hay giám sát phải phù hợp với thực tế cơ sở vật chất hiện có của đơn vị.
Tại mục 4-c quy định phải bảo đảm an toàn, bảo mật bài thi ở tất cả các khâu. Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre đề nghị làm rõ thêm ý “bảo mật” như thế nào để tránh cách hiểu khác nhau của đoàn thanh tra, kiểm tra thi.
Đối với việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi có thể gây khó khăn cho công tác tổ chức thi tại địa phương do kỳ thi tuyển sinh vào 10 gần trùng với thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nên khó thực hiện công bố đồng thời kịp theo quy định.
Vậy nên, đề nghị Bộ cho phép công bố điểm thi trước, sau đó một khoảng thời gian thì Sở phải công bố điểm chuẩn, kết quả tuyển sinh vào lớp 10.
ĐÀO HIỀN
https://giaoduc.net.vn/boc-tham-ngau-nhien-mon-thi-thu-3-vao-10-bo-tu-tuong-mon-chinh-mon-phu-post246061.gd
Nguồn: https://dut.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on 10/10/2024 07:44
Bộ anime nổi tiếng One Piece – Đảo Hải Tặc đã trở nên rất quen…
Khám phá thế giới xe tăng qua những bức tranh tô màu độc đáo. Nó…
Hình ảnh Đức Phật Di Lặc luôn mang đến cho chúng ta cảm giác vui…
Màu ngọc lam là sự kết hợp của màu xanh lam và xanh lá cây,…
Gấu dâu Lotso sở hữu ngoại hình siêu dễ thương với gam màu hồng làm…
Những bức ảnh anime nam nữ anime đen trắng đẹp, buồn, lạnh lùng, dễ thương,…