Categories: Giáo Dục

Sớm ban hành quy hoạch mạng lưới CSGDĐH để thực hiện nội dung 4 của Kết luận 91

Published by

Nội dung 04 tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nêu:

“Tập trung đầu tư chiều sâu về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở giáo dục đại học công lập ở một số ngành, nghề, lĩnh vực có tầm khu vực và quốc tế, tạo đột phá và chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế; tập trung vào các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và các ngành công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chất bán dẫn,…”

Về nội dung này, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng của từng trường, tuy nhiên, cần sớm ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học làm tiền đề thúc đẩy, triển khai các nhiệm vụ này.

Việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học là hết sức cần thiết.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS, TS Võ Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, thực hiện Kết luận số 91, Đại học Quốc gia TP.HCM đã xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI; Đề án chuyển đổi số. Đến nay, các đề án này đã và đang được triển khai tích cực, nhanh chóng tại các đơn vị đào tạo ở cơ sở. Với tiềm lực đào tạo mạnh mẽ của các trường thành viên, nguồn nhân lực này chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế của đất nước trong tương lai.

Là một trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thắng cho biết, Trường Đại học An Giang đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Nhờ đó, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đã tăng từ 18,1% lên 25,8%, trong khi tỷ lệ giảng viên/sinh viên chính quy của trường đạt 1/18, vượt chỉ tiêu ban đầu (1/20).

Nhà trường cũng đã cử 52 cán bộ đi đào tạo tiến sĩ và triển khai các đề tài, dự án quan trọng như: VNU350; Hỗ trợ đào tạo tiến sĩ giai đoạn 2024-2030; Chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ cho 36 giảng viên. Hiện nay, nhà trường có 65 nghiên cứu sinh đang theo học, trong đó có 44 nghiên cứu sinh trong nước và 21 nghiên cứu sinh nước ngoài.

Sinh viên Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP.HCM trong lớp học (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Trường Đại học An Giang còn đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nghiên cứu khoa học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ liên ngành để giải quyết các vấn đề quan trọng như phát triển nông nghiệp bền vững, công nghiệp sinh học và chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Thắng, để thực hiện nội dung 04 theo Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, việc sớm ban hành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học là hết sức cần thiết để định hướng phát triển, tối ưu hóa nguồn lực.

Có thể thấy, một bản kế hoạch chi tiết sẽ giúp xác định rõ vai trò và mục tiêu của từng trường đại học. Từ đó, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, chồng chéo giữa các cơ sở. Hơn nữa, điều này cũng cho phép tập trung nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất vào các ngành công nghiệp trọng điểm, phù hợp với nhu cầu phát triển quốc gia và xu hướng toàn cầu.

Không chỉ vậy, quy hoạch còn tạo điều kiện thúc đẩy sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, góp phần phát triển bền vững hệ thống giáo dục trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Thắng, việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học sẽ tăng hiệu quả đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các phương diện sau.

Thứ nhất, về mặt tối ưu hóa nguồn lực, một kế hoạch rõ ràng sẽ giúp xác định các ngành, lĩnh vực trọng điểm cần đầu tư, từ đó tránh lãng phí, trùng lắp. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được đầu tư theo chiều sâu vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và thị trường lao động quốc tế, tạo hiệu quả cao trong sử dụng nguồn lực. Điều này cũng giúp gắn kết chặt chẽ hơn giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, mở ra cơ hội phát triển nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế, phù hợp với nền kinh tế hiện đại, hội nhập.

Thứ hai, đối với việc phát triển cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, các trường đại học sẽ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với nhu cầu đào tạo chuyên ngành và nghiên cứu, giúp cải thiện điều kiện học tập, giảng dạy, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội.

Thứ ba, về mặt tăng cường liên kết và hợp tác, quy hoạch mạng lưới sẽ tạo điều kiện liên kết giữa các trường đại học trong và ngoài nước, cũng như giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Sự hợp tác này sẽ hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tăng khả năng ứng dụng của các dự án nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Qua đó, quy hoạch không chỉ giúp tăng hiệu quả đầu tư mà còn tăng cường ứng dụng thực tiễn, góp phần vào sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Để thực hiện hiệu quả quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, ông Thắng cho rằng, cần ban hành khung chính sách quy hoạch cụ thể, thống nhất. Cụ thể, cần công bố quy hoạch chi tiết mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, xác định rõ các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư. Việc quy hoạch phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của thị trường lao động và xu hướng phát triển kinh tế – xã hội. Điều này giúp tạo điều kiện cho các trường đại học phát triển theo hướng chuyên môn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

Bên cạnh đó, cần tập trung tăng ngân sách cho giáo dục. Theo đó, cần hỗ trợ các trường đại học nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; đồng thời, cần dành ngân sách hợp lý cho các ngành, trường trọng điểm có tiềm năng đạt chuẩn quốc tế, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng, đạt chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, cần chú trọng tăng cường hợp tác giáo dục. Cụ thể, cần đẩy mạnh nghiên cứu và điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của thị trường lao động. Đặc biệt, cần tập trung vào các ngành nghề mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, kinh tế tuần hoàn. Điều này sẽ đảm bảo sinh viên được đào tạo theo chuẩn mực hiện đại, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế toàn cầu.

“Để thực hiện được những yếu tố cơ bản trên, các trường đại học thực sự cần một cơ chế, chính sách phù hợp để “tháo gỡ” cho phát triển. Chúng ta nói nhiều đến tự chủ đại học nhưng thực tế vẫn còn quá nhiều bất cập, nhiều ràng buộc trong khi đây là “điểm then chốt” của “giải phóng tiềm năng” cho phát triển”, ông Thắng bày tỏ.

Trao đổi về nội dung trên, PGS, TS Võ Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho rằng, Việt Nam đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ và toàn diện. Có thể nói, những thành tựu trong 30 năm đổi mới vừa qua đã nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam là điểm đến hòa bình, năng động cho đầu tư quốc tế, cho các tập đoàn lớn, có tiềm năng trở thành một con hổ mới của khu vực Châu Á.

Do đó, việc xác định đầu tư đào tạo trọng điểm có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng một nước Việt Nam mới đáp ứng giai đoạn công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp 4.0 hay theo các nhà sử học là thời kỳ hậu hiện đại. Bởi vì, chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận rằng nguồn lực của đất nước còn hạn chế. Trong khi đó, các nước trên thế giới và trong khu vực như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan hay Malaysia… đang tiến hành cải cách mạnh mẽ, công nghiệp hóa tập trung và nỗ lực thu hút FDI. Sự cạnh tranh khốc liệt nhưng không thể tránh khỏi giữa các quốc gia này đòi hỏi phải lựa chọn và xác định các khoản đầu tư đào tạo trọng điểm. Nếu chúng ta lựa chọn đúng và đầu tư đúng, chúng ta sẽ có thể vươn lên, nếu không, chúng ta có nguy cơ tụt hậu.

Trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, theo ông Tùng, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học là cấp thiết.

Tuy nhiên, việc xây dựng mới và mở rộng quy mô đào tạo đòi hỏi phải có chiến lược quốc gia toàn diện, không để các trường đại học phát triển tự phát và theo cơ chế xin-cho như hiện nay. Bởi, việc mở rộng quá nhiều trường đại học, mỗi trường có ngành đào tạo khá giống nhau đã dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực, cạnh tranh không lành mạnh cũng như thiếu đầu vào cho sinh viên.

Cần có cơ chế đặc biệt. cho các trường đào tạo khoa học cơ bản

Để thực hiện Nội dung 04 tại Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, ông Tùng mong muốn Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có chiến lược đầu tư phát triển đào tạo đại học công lập, tránh tình trạng “bỏ rơi” trường công trong nền kinh tế thị trường và cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Ảnh minh họa (Nguồn: Website trường Đại học Khoa học Huế).

“Tự chủ là đúng, nhưng không thể để tự chủ đại học trở thành quá trình tư nhân hóa đại học hoặc doanh nghiệp hóa đại học, đôi khi dẫn đến hạ thấp mọi chuẩn mực giáo dục để phục vụ lợi nhuận. Đặc biệt, các trường đại học công lập đào tạo các ngành khoa học cơ bản, một số ngành công nghệ, kỹ thuật cần có cơ chế đặc biệt và đầu tư đặc biệt như trong lĩnh vực sư phạm…

Như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng nói: “Khoa học cơ bản là nền tảng của khoa học và giáo dục”, tôi tin rằng chỉ có đào tạo tốt khoa học cơ bản mới có thể phát triển khoa học và kinh tế đất nước trong thời đại mới”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo TS Lê Xuân Trường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện vai trò chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo… như nêu tại Nội dung 04 Kết luận số 91 của Bộ Chính trị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đất nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học.

Và việc quy hoạch sớm mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học sẽ là tiền đề để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện các nhiệm vụ này.

Ông Trường lưu ý, khi quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học cần phải dự báo được chúng ta sẽ cần bao nhiêu trường, bao nhiêu ngành nghề trong tương lai để đáp ứng được nhu cầu nhân lực của thị trường lao động và xã hội.

Không chỉ vậy, quy hoạch phải dự báo được ngành nghề nào sẽ cần nguồn nhân lực trong tương lai và nguồn nhân lực cần đạt được năng lực và chiều sâu kỹ năng nào. Hơn nữa, quy hoạch cũng phải phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế – xã hội của từng vùng. Bản thân mỗi cơ sở giáo dục phải tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và đào tạo nguồn nhân lực phải có chiều sâu, chiều rộng và đột phá để thúc đẩy đổi mới.

Tường San

https://giaoduc.net.vn/som-ban-hanh-quy-hoach-mang-luoi-csgddh-de-thuc-hien-noi-dung-4-cua-ket-luan-91-post245566.gd

This post was last modified on 17/09/2024 09:51

Lê Hồng Phong

truonglehongphong.edu.vn là website chuyên về blog, tin tức, tại đây tổng hợp các thông tin hay mỗi ngày, cũng như những tin tức mới nhất, hay những thông tin, kinh nghiệm hay nhất

Published by

Bài đăng mới nhất

Bộ sưu tập ảnh ma kinh dị, đáng yêu, hài hước

Trong thế giới tâm linh, “ma” là một khái niệm trừu tượng và chưa được…

10 phút ago

Usopp – Tay Súng Bắn Tỉa Siêu Đẳng Trong One Piece

Usopp là ai trong One Piece? Anh ta là tay bắn tỉa mạnh nhất của…

23 phút ago

Hình nền đẹp của thành phố về đêm

Thành phố về đêm với ánh đèn lung linh và cuộc sống sôi động là…

37 phút ago

Bộ hình nền vũ trụ 3D, full HD dành cho máy tính & điện thoại

Trọn bộ 50+ hình nền vũ trụ 3D, full HD cực đẹp cho điện thoại…

51 phút ago

Hình nền cô đơn, tâm trạng – Ảnh nền cô đơn tuyệt đẹp

Tâm trạng của bạn rất tệ, bạn vừa trải qua sự thất vọng, cô đơn…

1 giờ ago

Vịt Meme – Tổng hợp những hình ảnh vịt hài hước, đáng yêu và độc đáo

Những hình ảnh đáng yêu của những chú vịt kèm theo những dòng chữ ngắn…

1 giờ ago