Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 31/8/2024, cả nước có 574 chương trình đào tạo của 63 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá theo tiêu chuẩn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài (trong tổng số gần 2.000 chương trình đào tạo được kiểm định).
Kiểm định chất lượng giáo dục hướng tới mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục. Nguyên tắc của việc kiểm định chất lượng giáo dục phải đảm bảo tính độc lập, khách quan; trung thực, công khai, minh bạch; bình đẳng, bắt buộc và định kỳ.
Bạn đang xem: Phải đấu thầu trong kiểm định chất lượng giáo dục là rào cản lớn đối với CSGDĐH
Tuy nhiên, hoạt động kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định nước ngoài còn đặt ra một số vấn đề như: đảm bảo tính minh bạch, chuyển đổi tín chỉ giữa các chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn theo tiêu chuẩn kiểm định nước ngoài.
Chưa có công nhận chuyển đổi tín chỉ dựa trên kết quả kiểm định
Trước một số ý kiến cho rằng, chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định nước ngoài có nhiều lợi ích cho sinh viên và nhà trường, như: sinh viên sẽ có nhiều lợi thế trong tuyển dụng, tham gia chuyển đổi tín chỉ với các trường đại học trên thế giới có cùng chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài,… trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phúc – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm:
“Theo tôi được biết, hiện nay, hầu hết các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong và ngoài nước chỉ công nhận chương trình đào tạo đạt chất lượng theo bộ tiêu chuẩn mà họ dùng để kiểm định. Còn việc công nhận chuyển đổi tín chỉ dựa trên kết quả kiểm định là chưa có. Vấn đề công nhận chuyển đổi tín chỉ phải dựa trên thỏa thuận đào tạo liên kết giữa 2 cơ sở giáo dục khi ký kết các chương trình đào tạo liên kết”.
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)
Cùng quan điểm với thầy Phúc, một chuyên gia kiểm định nhận xét thêm, việc cơ sở giáo dục đại học kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài không phải chỉ để hướng tới mục tiêu giúp sinh viên chuyển đổi tín chỉ. Bởi, trên thực tế, có không ít lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học chia sẻ rằng họ phản đối việc chuyển đổi tín chỉ này với lý do đơn giản là nhà trường sẽ thất thu nếu sau khi học 1-2 năm đầu, sinh viên của trường sang nước ngoài học vì được chuyển đổi tín chỉ.
“Bộ tiêu chuẩn AUN-QA được thực hiện với mục đích cải tiến chất lượng của hệ thống đảm bảo chất lượng chung khu vực ASEAN; không có chuyện các môn học cùng ngành đào tạo được kiểm định bởi AUN-QA thì được chuyển đổi tín chỉ. Song, những trường đại học có chương trình đào tạo cùng được kiểm định bởi AUN-QA có thể chủ động thiết lập quan hệ với nhau. Với xu hướng đó, hệ thống trao đổi tín chỉ ASEAN (ASEAN Credit Transfer System – ACTS) được thành lập – là một hệ thống trao đổi tín chỉ giữa các trường đại học thành viên của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN) nhằm thúc đẩy quá trình giao lưu, trao đổi sinh viên giữa các trường đại học trong khu vực. Hệ thống trao đổi tín chỉ ASEAN có mục tiêu thiết lập sự trao đổi tín chỉ lẫn nhau giữa những trường đại học đã được đánh giá bởi AUN-QA. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được đẩy mạnh nên chưa khai thác được lợi thế, chỉ những trường nào cảm thấy hợp tác được với nhau thì hợp tác để trao đổi sinh viên.
Hay bộ tiêu chuẩn QAA, ASIIN, khi kiểm định xong, trường sẽ được quyền lấy logo – nhãn hiệu của họ để gắn lên tất cả hồ sơ, giấy tờ của chương trình đào tạo được công nhận. Đây là căn cứ để giao lưu, trao đổi với các trường đại học khác ở châu Âu nhưng chỉ là điều kiện cần; còn điều kiện đủ là các trường phải chủ động lựa chọn, thiết lập quan hệ hợp tác với các trường quốc tế.
Đối với Việt Nam, việc chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có thể làm căn cứ về mặt chuyên môn để các trường đại học nước ngoài nhận biết chương trình đào tạo của Việt Nam đã được kiểm định bởi tiêu chuẩn nước ngoài, từ đó mở ra cơ hội, khả năng hợp tác tốt hơn”, chuyên gia này nhận định.
Đảm bảo minh bạch trong hoạt động KĐCLGD bởi tổ chức nước ngoài ra sao?
Liên quan đến việc đảm bảo minh bạch kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài đã và đang được thực hiện ra sao tại Việt Nam, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc cơ sở giáo dục đại học Việt Nam kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài thể hiện từng bước đưa giáo dục đại học trong nước tiệm cận với giáo dục đại học quốc tế.
Xem thêm : Xếp loại viên chức theo nhóm đối tượng: Thầy cô nhóm nào sẽ cạnh tranh gay gắt?
“Với 7 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam, theo định kỳ, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có thống kê các chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong và ngoài nước. Và chỉ có các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam mới được Cục chấp nhận kết quả kiểm định. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học có căn cứ khi đánh giá chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ở trong hay ngoài nước”, thầy Phúc nhận định.
Ngoài ra, theo thầy Phúc, với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam, quá trình thực hiện kiểm định/đánh giá ngoài đều tuân theo quy trình chặt chẽ và minh bạch.
Ví dụ, để có thể đăng ký kiểm định ABET, chương trình đào tạo (ngoài nước Mỹ) phải có thư đăng ký (RFE) được xác nhận bởi cơ quan chủ quản cao nhất. Còn với AUN-QA, để được đánh giá, đòi hỏi cơ sở giáo dục phải là thành viên chính thức hoặc là thành viên liên kết của AUN-QA,… Việc yêu cầu ban đầu như trên nhằm đảm bảo chương trình khi đăng ký đã có sự đồng ý của cơ quan chủ quản nước sở tại.
Trong quá trình triển khai đánh giá/kiểm định, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài lựa chọn các chuyên gia kiểm định đến từ nhiều nước khác nhau; không sử dụng chuyên gia Việt Nam để đánh giá các chương trình của Việt Nam (như AUN-QA) để đảm bảo tính khách quan, độc lập. Một số tổ chức kiểm định (như FIBAA) mời các chuyên gia Việt Nam tham gia đoàn kiểm định với vai trò là chuyên gia trong nước, giúp họ nhận định chính xác các vấn đề. Các chuyên gia độc lập với chương trình được đánh giá và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục công nhận.
Ngoài các quy trình chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc mà tổ chức kiểm định đặt ra (bảo mật, trung thực, khách quan…) thì quy trình đào tạo và lựa chọn đội ngũ kiểm định viên cũng được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tiến hành nghiêm khắc, yêu cầu cao. Bên cạnh đó, các kết quả kiểm định, báo cáo cải tiến đều được báo cáo định kỳ cho Cục Quản lý chất lượng.
“Những điều kể trên thể hiện sự kiểm soát chặt chẽ đối với các chương trình được công nhận kiểm định chất lượng bởi tổ chức kiểm định chất lượng trong và ngoài nước”, thầy Phúc chia sẻ.
Nguồn ảnh: website Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng nêu quan điểm về vấn đề đảm bảo minh bạch trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, chuyên gia kiểm định cho hay, việc trường đại học kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có ưu điểm là hướng theo nguyên lý, mở rộng tầm nhìn và thay đổi cấu trúc hệ thống đảm bảo chất lượng. Bộ tiêu chuẩn kiểm định ở trong nước đang sử dụng cũng được chuyển thể từ AUN-QA. Do đó, các trường đại học lựa chọn kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, trong đó có tiêu chuẩn AUN-QA cũng là “một bước nhanh chân hơn”.
“Nhiều người cho rằng, chương trình đào tạo được kiểm định nước ngoài không đảm bảo chất lượng bằng kiểm định trong nước. Đây là một cách hiểu sai vấn đề. Bởi, với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, họ có thể đối chiếu việc thực hiện quy định pháp luật của cơ sở giáo dục đại học. Còn đoàn kiểm định nước ngoài có nắm được pháp luật của Việt Nam hay không mà đối chiếu? Và quan trọng hơn cả là nhiệm vụ của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài không phải giám sát, làm thay cho hệ thống pháp luật quốc gia.
Cần nhấn mạnh rằng, sứ mệnh của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài không phải kiểm tra xem cơ sở có làm đúng quy định thông tư, nghị định,… nên nhiều người sẽ băn khoăn các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài khi kiểm định chương trình đào tạo của Việt Nam khiến trường dễ qua mặt,… hiểu như vậy là chưa đúng”, chuyên gia chia sẻ.
Lựa chọn KĐCLGD bởi tổ chức nước ngoài dựa trên nguyên tắc tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau
Một trong những vấn đề được nêu ra là hiện nay, cơ sở giáo dục đại học khi kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài cần thực hiện đăng ký, trong khi đó, kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước thì phải đấu thầu. Do đó, có thể dẫn đến việc cạnh tranh không công bằng.
Bàn về nội dung này, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm, mỗi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài sử dụng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá riêng. Về mặt nguyên lý, góc nhìn đảm bảo chất lượng phần lớn có sự tương đồng, nhưng yêu cầu tiêu chuẩn, tiêu chí của mỗi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài lại khác nhau. Do vậy, các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài không giống nhau.
Xem thêm : Sẽ ban hành khung năng lực số cho người học
Theo thầy Phúc, đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, việc được cơ sở giáo dục đăng ký kiểm định/đánh giá được xem là tự nguyện. Do đó, việc lựa chọn đăng ký kiểm định là lựa chọn của cơ sở giáo dục phù hợp với chiến lược, nguồn lực đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục; dựa trên nguyên tắc chung là tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Còn đối với 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam, các trung tâm này đều sử dụng chung bộ tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học). Và với Luật Đấu thầu hiện hành, các cơ sở giáo dục phải thực hiện đấu thầu trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước là đúng quy định.
“Thay vì quan tâm đến vấn đề công bằng, xã hội cần quan tâm hơn đến vấn đề vì sao cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo cần/nên lựa chọn đánh giá/kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn kiểm định trong hay ngoài nước. Vì việc lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm đặc thù của chương trình đào tạo, mục tiêu phát triển của nhà trường, cũng như nguồn lực và khả năng đáp ứng các yêu cầu của tổ chức kiểm định.
Khi lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong hay ngoài nước, các cơ sở giáo dục cần cân nhắc kỹ lưỡng về các tiêu chí như: tính phù hợp của tiêu chuẩn, uy tín của tổ chức, chi phí kiểm định, thời gian thực hiện và các hỗ trợ đi kèm. Việc lựa chọn đúng đắn sẽ giúp nhà trường xác định được những điểm mạnh, điểm yếu và từ đó xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng một cách hiệu quả”, thầy Phúc chia sẻ.
Cùng bàn về vấn đề này, chuyên gia kiểm định bày tỏ, hoạt động đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đang sử dụng chung 1 bộ tiêu chuẩn. Hơn nữa, các cơ sở giáo dục đại học công lập còn bị ràng buộc về đấu thầu nên hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trong nước cần phải thực hiện đấu thầu, khiến nhiều trường “oải”, không muốn làm kiểm định trong nước.
Còn với mỗi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài lại có 1 bộ tiêu chuẩn đánh giá riêng, không phải thực hiện đấu thầu.
“Việc kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức trong nước phải đấu thầu, còn nước ngoài không đấu thầu như hiện nay không phải làm giảm/tăng tính cạnh tranh giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước với nước ngoài.
Tuy nhiên, đối với các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, để tạo công bằng hơn thì nên áp đặt một khung giá quy ước chung. Trong đó, khung giá này sẽ quy định rõ chi phí kiểm định đối với chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục,…
Nếu áp dụng được khung giá chung trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trong nước thì không cần phải thực hiện đấu thầu, tránh xảy ra tiêu cực không đáng có”, chuyên gia chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia, yếu tố để các trường đại học kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trong nước hay nước ngoài phụ thuộc vào mục tiêu, chiến lược phát triển của từng trường. Ví dụ, chương trình đào tạo của nhà trường mong muốn được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Hoa Kỳ bởi vì nhà trường có nhiều đối tác tại Hoa Kỳ, họ muốn tuyển dụng sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp thì chương trình đào tạo của nhà trường cũng nên đạt kiểm định theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.
Hay có trường đại học ở trong nước, có điều kiện về kinh tế nhưng không làm kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được vì năng lực tiếng Anh không đảm bảo. Hoặc cũng có trường đại học giai đoạn đầu chỉ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước, giai đoạn sau lại làm kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài. Quyết định lựa chọn kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước hay nước ngoài hoàn toàn phụ thuộc vào các trường đại học.
Ngọc Mai
https://giaoduc.net.vn/phai-dau-thau-trong-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-la-rao-can-lon-doi-voi-csgddh-post246122.gd
Nguồn: http://dut.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on 11/10/2024 06:56
Hình Ảnh Cha Mẹ - Chia sẻ đến bạn đọc những hình ảnh đẹp về…
Bộ phim hoạt hình dựa trên thế giới của trò chơi Liên Minh Huyền Thoại,…
Trước đây người ta thường sử dụng hình ảnh hoa lá để tạo hình các…
Tôi đã yêu bạn rồi! tên trò chơi là gì tiểu thuyết trực quan nơi…
Đối với những tâm hồn mê mẩn trước vẻ đẹp của thiên nhiên thì cầu…
Honkai: Star Rail là một trong những game nhập vai nổi tiếng. Trò chơi đã…