Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2045/QĐ-BGDĐT quy định Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc tổ chức khai giảng vào ngày 05/9.
Bạn đang xem: Năm học 2024-2025 với nhiều nhiệm vụ nâng cao chất lượng dù còn nhiều thiếu thốn
Cô trò Trường Tiểu học Kim Đồng (Ninh Kiều, Cần Thơ) trong ngày đầu tựu trường năm học 2024-2025. Ảnh: cantho.edu.vn.
Rà soát, sắp xếp, tuyển dụng đội ngũ sẵn sàng cho năm học mới
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ thông tin, năm học 2024-2025, ngành giáo dục và đào tạo thành phố dự kiến đón 255.935 trẻ em, học sinh, học viên đến trường.
Để sẵn sàng cho công tác dạy, học, vấn đề về đội ngũ là điều vô cùng quan trọng. Theo chia sẻ của vị Giám đốc Sở, năm 2024, số lượng người làm việc được giao tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố Cần Thơ là 14.541 người.
Trong đó, có 13.867 chỉ tiêu chính thức và 674 chỉ tiêu chờ tuyển dụng. Tại thời điểm tháng 7/2024, số lượng người làm việc hiện có tại các đơn vị là 13.769 người, trong đó có 11.908 giáo viên.
Trước đó, nhằm chuẩn bị cho năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã rà soát, sắp xếp lại đội ngũ viên chức, nhất là giáo viên các đơn vị; bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục.
“Qua rà soát, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đã điều chuyển 22 giáo viên giữa các đơn vị để đảm bảo định mức quy định và số lượng người làm việc được giao (các quận, huyện đã thực hiện rà soát, sắp xếp và điều chuyển trong tháng 8/2024).
Đồng thời, để đảm bảo nhân sự cho năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã rà soát, thống nhất số lượng người làm việc với các đơn vị cũng như dự kiến số lượng giáo viên bổ sung cho năm học mới.
Nhu cầu giáo viên cần tuyển cho năm học 2024-2025 là 411 giáo viên (trong đó có 123 giáo viên mầm non, 216 giáo viên tiểu học, 42 giáo viên trung học cơ sở, 30 giáo viên trung học phổ thông).
Dự kiến, sau khi hoàn tất việc sắp xếp, điều chuyển giáo viên, các đơn vị thực hiện quy trình tuyển dụng theo quy định (trong tháng 8-9/2024; riêng Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều đang thực hiện tuyển dụng theo Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 22/4/2024 về việc tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập quận Ninh Kiều năm 2024)” – ông Trần Thanh Bình cho biết thêm.
Ông Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ. Ảnh: NVCC.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cho biết, toàn ngành giáo dục tỉnh đang có 14.435 người, trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo có 50 công chức và người lao động, Phòng Giáo dục và Đào tạo có 46 công chức, các trường có 14.340 viên chức và người lao động.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh thường xuyên thực hiện rà soát, sắp xếp và tinh giản biên chế trong ngành; chú trọng rà soát về trình độ đào tạo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học theo Luật Giáo dục 2019. Qua đó, có kế hoạch đào tạo, sử dụng hợp lý số giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, xác định nhu cầu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện cử giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) học tập nâng chuẩn theo yêu cầu trình độ đào tạo theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Tuấn thông tin, có 3.068 công chức, viên chức tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nâng cao trình độ, năng lực quản lý, giảng dạy và các hoạt động khác đáp ứng yêu cầu về chức danh nghề nghiệp theo cấp, bậc học.
Đầu năm học, từng cơ sở giáo dục công lập rà soát đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để xác định số lượng người làm việc trên cơ sở thực tế số học sinh, số lớp để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện công tác phân công, điều chuyển, khắc phục tình trạng thừa – thiếu giữa các đơn vị.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh đã xét chuyển công tác 33 công chức, viên chức theo nguyện vọng đến công tác trong và ngoài tỉnh đồng thời, thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều chuyển công tác và bổ nhiệm 18 cán bộ quản lý; tuyển dụng bổ sung 73 viên chức (46 giáo viên, 27 nhân viên) ở các đơn vị trực thuộc; đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP năm học 2023-2024 có 186/211 chỉ tiêu.
Thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2021-2026 (244 lượt người), nhiệm kỳ 2026-2031 (255 lượt người).
Xem thêm : PH ý kiến việc góp tiền mua tivi, Hiệu trưởng THCS Thanh Dương nhắn tin đe dọa
Phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo quy định hiện hành; triển khai, thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ; Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện các chế độ nâng lương, phụ cấp cho 2.355 viên chức các đơn vị trực thuộc, 24 công chức cơ quan Sở; giải quyết nghỉ việc theo nguyện vọng 13 người.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Sở GDĐT Trà Vinh cung cấp.
Cũng chia sẻ về nội dung này, ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, tổng số lượng người làm việc và hợp đồng lao động được giao là 13.130 người. Tổng số viên chức, lao động hợp đồng có mặt tại thời điểm 31/5/2024 là 13.016 người. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cơ bản đảm bảo về số lượng và cơ cấu.
Nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong năm học 2023-2024 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Đề án số 1129/ĐA-UBND ngày 05/3/2024 về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2024-2028, định hướng đến năm 2030.
Đầu năm học 2023-2024, căn cứ quy mô trường lớp và nhu cầu bố trí giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Ủy ban nhân dân các quận, huyện của thành phố thực hiện sắp xếp, điều chuyển giáo viên giữa các cơ sở giáo dục; không phát sinh tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ; đảm bảo việc bố trí giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đã có Nghị quyết bổ sung 723 chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 111 của Chính phủ cho toàn ngành giáo dục thành phố.
Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NVCC.
Đã có sự chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất, nâng cấp, sửa chữa, xây mới trường, lớp
Bên cạnh vấn đề về đội ngũ giáo viên, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cũng chú ý đến việc chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục năm học 2024-2025
Ông Trần Thanh Bình thông tin cụ thể: “Sở Giáo dục và Đào tạo đã trình và được Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất chủ trương nâng cấp, sửa chữa 12 trường trung học phổ thông từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2024 với tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.
Kinh phí mua sắm thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo năm học 2024-2025 là 30 tỷ đồng và đang khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
Theo phân cấp quản lý, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã triển khai kế hoạch nâng cấp, sửa chữa và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở giáo dục trực thuộc với tổng kinh phí khoảng 95 tỷ đồng.
Số trường xây dựng mới là 13 trường; đồng thời triển khai kế hoạch mua sắm thiết bị các cơ sở giáo dục trực thuộc phục vụ cho năm học mới”.
Một góc Trường Trung học cơ sở An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ) mới được đưa vào sử dụng trong năm học mới 2024-2025. Ảnh: cantho.edu.vn.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Thanh Tuấn cũng cho biết, đối với việc đầu tư xây dựng trường, lớp học, ngoài phối hợp với các Sở, ngành liên quan góp ý chủ trương đầu tư, ý kiến thẩm định các dự án đầu tư xây dựng trường, lớp học trên địa bàn tỉnh, các dự án đầu tư trường học ngoài công lập…, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, thực hiện đầu tư xây dựng 12 cơ sở giáo dục trực thuộc. Đến nay, các công trình đã và đang trong giai đoạn hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức họp trao đổi xử lý các vướng mắc về quy trình, thủ tục mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo Luật đầu tư công; tổ chức thu thập nhu cầu để tổng hợp trình kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học, bằng nguồn vốn đầu tư, theo hình thức giao chủ đầu tư lập dự án đầu tư mua sắm, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện để phục vụ giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, ông Mai Tấn Linh cũng cho hay, phía Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí, phân bổ ngân sách để thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư để thực hiện giai đoạn 2021-2025 là 4.399 tỷ đồng (chưa kể kinh phí đền bù giải tỏa).
Ngoài ra, cần huy động tối đa nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
“Tính đến ngày 31/5/2024, có 71 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, tổng mức đầu tư 946,6 tỷ đồng, có 35 công trình đang triển khai xây dựng, tổng mức đầu tư 804,7 tỷ đồng, có 60 công trình đã được duyệt chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư 1.824,7 tỷ đồng, có 47 công trình đang triển khai hồ sơ chuẩn bị đầu tư, tổng mức đầu tư 1.939,4 tỷ đồng.
Việc đầu tư cơ sở vật chất nhằm đáp ứng các điều kiện về xây dựng trường đạt chuẩn tiếp tục được quan tâm. Các quận, huyện tập trung, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án về tăng cường cơ sở vật chất, nhằm đảm bảo đủ phòng học theo lộ trình thực hiện chương trình ở cấp tiểu học; xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng; ưu tiên bố trí phòng học để 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày” – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết .
Xem thêm : Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác đầu năm học tại TPHCM
Tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Ông Trần Thanh Bình cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đã phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tích cực tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành văn bản hướng dẫn công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, trong đó chú trọng chất lượng giáo dục gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo điều kiện cho học sinh tự tin trong học tập; quan tâm, bồi dưỡng học sinh có học lực yếu, trung bình.
Đồng thời, huy động các nguồn lực hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt; phối hợp chặt chẽ với gia đình trong công tác quản lý, giáo dục học sinh.
Vị Giám đốc Sở cũng chia sẻ: “Hằng năm, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể, Hội Khuyến học, Ủy ban nhân dân quận, huyện, tích cực vận động các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ, đồng hành chia sẻ với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt… như: trao học bổng, dụng cụ học tập, sách giáo khoa, bảo hiểm y tế, xe đạp… nhằm tiếp thêm niềm tin, nghị lực, giúp các em yên tâm bước vào năm học mới.
Qua đó, góp phần vào sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố. Ước tính kinh phí vận động xã hội hóa hỗ trợ học sinh nhân dịp đầu năm học mới 2024-2025 là trên 10 tỷ đồng”.
Trao quà cho học sinh đầu năm học 2024-2025. Ảnh: Sở GDĐT Cần Thơ cung cấp.
Với tỉnh Trà Vinh, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP: Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, có 1 cơ sở giáo dục có học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ gạo, có 31 học sinh/đợt được hỗ trợ và nhận 4.185 kg gạo cả 2 đợt/năm học.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cũng thông tin, Hội đồng nhân dân thành phố đã có nghị quyết hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.
Hướng tới mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết, năm học 2024-2025, ngành giáo dục và đào tạo thành phố quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch năm học với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”.
Theo đó, ngành giáo dục và đào tạo thành phố tập trung hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục trên địa bàn bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.
Cùng với đó, đẩy nhanh công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên.
Đồng thời, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu, bố trí vốn hằng năm thực hiện duy tu, bảo dưỡng cơ sở trường, lớp và mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định để đưa vào sử dụng đồng bộ.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, triển khai hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên mới; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với nhà giáo và học sinh
Ông Trần Thanh Bình cũng nhấn mạnh việc chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo từ các quốc gia phát triển.
Ngoài ra, cần chú trọng chuyển đổi số vào đổi mới quản lý, dạy và học; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chủ động ngăn ngừa những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn Ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho hay, để thực hiện tốt chủ đề năm học 2024 – 2025, toàn ngành giáo dục thành phố tập trung các nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.
Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cũng cần đặc biệt quan tâm.
Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đảm bảo đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Ngoài ra, ông Mai Tấn Linh cũng nhấn mạnh việc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua.
Hồng Linh
https://giaoduc.net.vn/nam-hoc-2024-2025-voi-nhieu-nhiem-vu-nang-cao-chat-luong-du-con-nhieu-thieu-thon-post245269.gd
Nguồn: http://dut.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on 05/09/2024 06:13
Vào những năm 90, những bộ phim anime như Dragon Ball Z và Pokemon đã…
Bộ anime nổi tiếng One Piece – Đảo Hải Tặc đã trở nên rất quen…
Khám phá thế giới xe tăng qua những bức tranh tô màu độc đáo. Nó…
Hình ảnh Đức Phật Di Lặc luôn mang đến cho chúng ta cảm giác vui…
Màu ngọc lam là sự kết hợp của màu xanh lam và xanh lá cây,…
Gấu dâu Lotso sở hữu ngoại hình siêu dễ thương với gam màu hồng làm…